Khởi thảo :

Lược sử gia đình phật tử việt nam

Phúc Trung

Không phải vì có một quá trình vàng son, với những thành quả sáng chói, nên cần phải viết lại từng chặng đường đã qua của Gia Ðình Phật Tử Việt Nam. Lại càng không phải viết để tô son điểm phấn làm cho Gia Ðình Phật Tử Việt Nam được danh tiếng hơn.

Viết, chẳng qua là để ghi lại những thời kỳ đã qua, để cho những người muốn tìm hiểu về Gia Ðình Phật Tử, có thể có những dữ kiện khách quan, nhờ đó người ta mới đánh giá được thực chất của đoàn thể nầy, cũng như những người đi sau, biết được rõ ràng nguồn gốc, quá trình hoạt động của nó, để từ đó rút ra được những bài học cho tổ chức và bản thân.

Ðây chỉ là bài khởi thảo, chắc chắn có những điểm cần phải thẩm định lại.

I.- Những nhân tố hình thành Gia Ðình Phật Tử Việt nam :

Chúng ta biết rằng giáo lý của đức Phật đã thu hút những người trí thức trong các đoàn quân xâm lược Á Châu vào thế kỷ thứ XIX. Từ đó Phật giáo đã gây tiếng vang và lan tràn sang Phương Tây.

Tại Trung Hoa, Hư Vân Hòa Thượng đã vân du sang Hồng Kông, Nam Dương để truyền bá Phật giáo, đồng thời cùng những vị khác thành lập các hội Phật giáo trong nước, nhằm canh tân và chấn hưng Phật giáo Trung Quốc, sự kiện nầy đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc chấn hưng Phật giáo Việt Nam, do đó các hội Phật Giáo ở Nam, Trung, Bắc Việt Nam được thành lập vào đầu thập niên 30.

Cũng vào đầu thập niên 30, một tổ chức giáo dục thanh thiếu niên quốc tế, đã được thành lập tại các thành phố lớn ở Việt Nam như Hà Nội, Huế, Sàigòn đó là Hội Hướng Ðạo Việt Nam. Sinh hoạt của Hướng Ðạo rất thích hợp với tuổi trẻ.

Ðó là những nhân tố quyết định cho việc hình thành phong trào Gia Ðình Phật Tử Việt Nam, cùng với hoàn cảnh của đất nước và Phật giáo Việt Nam, Gia Ðình Phật Tử phải trải qua nhiều thời kỳ mới kiện toàn tổ chức như ngày nay.

II.- Những thời kỳ tiến triển :

Căn cứ vào những hình thái tổ chức, chúng ta có thể chia thành 6 thời kỳ như sau :

1.- Thời kỳ sơ khởi : Vào năm 1932, An Nam Phật Học Hội do Hòa Thượng Giác Tiên (1880-1936) và đệ tử là Bác sĩ Tâm Minh Lê Ðình Thám (1897-1969) đứng đầu thành lập ở Trung Kỳ. Nhân lễ Phật Ðản, mồng Tám tháng Tư năm Ất Hợi (10-5-1935) Hội An Nam Phật Học đã tổ chức một đại lễ Phật Ðản tại chùa Diệu Ðế, có Hoàng đế Bảo Ðại, Hội Trưởng danh dự của hội dự lễ. Buổi tối có tổ chức diễn hành rước tượng Phật Ðản sinh từ chùa Diệu Ðế đến chùa Từ Ðàm, để biểu dương và cổ vũ phong trào phục hưng Phật giáo ở đất thần kinh. Trong đó có Ðồng Ấu Phật Tử do ông Bửu Bác huấn luyện, họ mặc đồng phục cổ truyền áo dài the xanh, đeo dãi băng vàng có chữ nâu Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật, vừa đi diễn hành vừa hát những bài tán thán đức Phật theo điệu Ðăng Ðàn Cung, Kim Tiền, Phú Lục, Long Ngâm . . . trong đó có cả bài Trầm Hương Ðốt. Về sau, nhạc sĩ Bửu Bác vẫn tiếp tục tập Ðồng Ấu Phật Tử ca hát ở chùa Từ Ðàm. Những người tham gia Ðồng Ấu Phật Tử tuổi từ 12 đến 18, phần lớn là con em của Phật tử thuộc gia đình danh gia, vọng tộc như con cháu của Bác sĩ Lê Ðình Thám, Lê Lừng, Tôn Thất Liệu, Nguyễn Hữu Huỳnh (dòng dõi công thần Nguyễn Hữu Cảnh). . .

2.- Thời kỳ phôi thai : Vào khoảng năm 1940, những người sinh hoạt ở Ðồng Ấu Phật Tử trong phạm vi gia đình Bác sĩ Lê Ðình Thám có người con thứ là Lê Ðình Luân, thư ký riêng là Lê Lừng đều là Hướng Ðạo sinh đã khởi xướng ra thành lập tổ chức sinh hoạt như Hướng Ðạo và giáo dục theo đạo Phật, lấy tên là Gia Ðình Phật Hóa Phổ và dùng Pháp danh của người gia trưởng làm tên riêng của đơn vị, do đó đơn vị đầu tiên nầy có tên là Gia Ðình Phật Hóa Phổ Tâm Minh, lấy mục đích là phổ biến Phật giáo đến đại chúng, lấy châm ngôn là Hoà Thuận, Tin yêu, Vui Vẻ, lấy Hoa sen trắng có 8 cánh làm huy hiệu, khi chia tay hát bài Dây Thân Ái. . .

Sự hình thành từng bước nầy, bắt đầu từ những người Ðồng Ấu Phật Tử trong gia đình của Bác sĩ Tâm Minh Lê Ðình Thám lan rộng ra. Cho đến năm 1943, lần lượt các Gia Ðình Phật Hóa Phổ khác được thành lập tại Huế như Gia Ðình Phật Hóa Phổ Tâm Lạc, do Bác Phạm Quang Thiện làm Phổ Trưởng; Gia Ðình Phật Hóa Phổ Thanh Tịnh, do bác Tôn Thất Tùng làm Phổ trưởng; Gia Ðình Phật Hóa Phổ Sum Ðoàn, do bác Nguyễn Hữu Tuân làm Phổ trưởng.

Do phong trào đã phát triển, Gia Ðình Phật Hóa Phổ có Ðiều lệ và Ban Ðiều Hành đầu tiên đã được thành lập vào ngày 14-3-1943 như sau :

Phụ trách tổng quát : Phạm Hữu Bình
Phụ trách hoạt động thanh niên : Tráng Thông
Phụ trách thông tin đối ngoại : Ðinh Văn Vinh
Phụ trách giáo lý cấp sơ đẳng : Ðinh Văn Nam (nay là HT Thích Minh Châu)
Phụ trách ca vũ nhạc : Lê Bối
Phụ trách tổ chức đội hình, cắm trại, đại lễ : Nguyễn Hữu Quán

Cho đến năm 1945, có nhiều đơn vị đã được thành lập tại cố đô Huế và lân cận, nhưng đều phải ngưng hoạt động, vì công cuộc chiến tranh của dân tộc để dành độc lập cho Tổ quốc.

Ðến năm 1947, dân chúng đã hồi cư tạm ổn. Hội Phật Giáo Việt Nam Trung Phần hoạt động lại, các Gia Ðình Phật Hóa Phổ theo đó được thành lập, như Gia Ðình Phật Hóa Phổ Gia Thiện sinh hoạt tại chùa Ông do Bác Nguyễn Phiên làm Phổ trưởng, Gia Ðình Phật Hóa Phổ Hướng Thiện sinh hoạt tại tư gia bác Phan Cảnh Tú, Gia Ðình Phật Hóa Phổ An Lạc sinh hoạt tại khuôn Tịnh độ An Lạc, Gia Ðình Phật Hóa Phổ Chân Tri sinh hoạt tại khuôn Tịnh độ Phú Lâu. Gia Ðình Phật Hóa Phổ Dương Biều sinh hoạt tại khuôn Tịnh độ Dương Biều.

Ðể củng cố tổ chức và đẩy mạnh hoạt động, Gia Ðình Phật Hóa Phổ đã tổ chức một đại hội thảo luận đặt nền móng cho tổ chức, sinh hoạt và tu học. Ðại hội nầy tổ chức tại trường Thăng Long, đường Huỳnh Thúc Kháng ở Huế từ ngày 26 đến 28-5-1947, ngày chót đã bầu Ban Hướng Dẫn Lâm Thời Gia Ðình Phật Hóa Phổ thuộc Hội Phật Giáo Việt Nam Trung Phần như sau :

Ban Cố Vấn Giáo lý : Thích Minh Châu, Thiên Ân, Ðức Tâm, Chân Trí.
Trưởng Ban Hướng Dẫn : Anh Võ Ðình Cường
Phó Ban phụ trách Thanh, Thiếu Niên : Anh Phan Cảnh Tuân
Phó Ban phụ trách Thanh, Thiếu Nữ : Chị Hoàng Thị Kim Cúc
Trưởng Ban Văn Mỹ Nghệ : Nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba và Anh Tống Hồ Cầm
Trưởng Ban chuyên môn : Anh Tráng Thông, Lê Bối

Về sau vì nhu cầu, Ban Hướng Dẫn nầy tăng cường thêm Anh Lê Cảnh Ðạm, họa sĩ Phạm Ðăng Trí, bác sĩ Lê Khắc Quyến.

Ban Hướng Dẫn nầy đã phát triển Gia Ðình Phật Hóa phổ ra các tỉnh miền Trung, soạn sách dạy Phật Pháp, soạn các tài liệu tổ chức, điều hành, sinh hoạt . . . Ban Hướng Dẫn nầy đã hoạt động hữu hiệu, đặt nền móng vững chắc cho tổ chức sau nầy.

3.- Thời kỳ phát triển :

Ngoài Bắc, tại chùa Quán Sứ Hà Nội, vào năm 1947-48 Thượng Tọa Tố Liên Phó Hội Trưởng kiêm Trưởng Ban Cứu Tế Xã Hội của Hội Việt nam Phật Giáo đã lập tại chùa Quán sứ một Cô Nhi Viện để nuôi dạy 200 trẻ mồ côi, do đạo hữu Nguyễn Văn Xếnh và anh Ðặng Văn Khuê phụ trách vừa dạy chữ, vừa dạy nghề cho các em, để tiện điều hành, các em được chia thành Toán và Ðoàn, hàng ngày các em có giờ tụng kinh vào buổi sáng và tối. Cũng tại chùa Quán sứ, có trường tiểu học Khuôn Việt do giáo sư Nguyễn Ngọc Quỳnh làm hiệu trưởng. Hàng tuần vào thứ năm, các em cô nhi và học sinh trường Khuôn Việt có giờ học Giáo lý. Ðược sự quan tâm của Thượng tọa Tố Liên, học sinh trường Khuôn Việt được đoàn ngủ hóa thành Ðoàn, mỗi sáng chủ nhật học sinh đến chùa lễ Phật và được hướng dẫn các bài hát, hoạt động thanh niên, dần dần tiến đến việc hình thành Gia Ðình Phật Hóa Phổ Minh Tâm vào năm 1949-50 nhưng đến lễ Thành Ðạo năm 1952 Gia Ðình Phật Tử Minh Tâm mới được chính thức thừa nhận.

Ðến năm 1950, Cô Nhi Viện phát triển mạnh nên phải dời đến Trại Tế Sinh, vào tháng 11 năm 1950 anh Ðặng Văn Khuê đã thành lập Gia Ðình Phật Hóa Phổ Thiện Tuệ. Sau đó các Gia Ðình Liên Hoa, Phả Quang, Minh Ðạo và Từ Quang được thành lập.

Trong Nam, sớm nhất là vào năm 1950, Gia Ðình Phật Hóa Phổ Chân Tri Sàigòn do anh Nguyễn Văn Thục thành lập tại chùa Sùng Ðức ở Chợ Lớn, sau dời về chùa Phật Quang đổi danh hiệu là Gia Ðình Phật Tử Chánh Giác (1).

4.- Thời kỳ hình thành Gia Ðình Phật Tử Việt Nam :

a) Ðại hội Huynh Trưởng Gia Ðình Phật Tử toàn quốc lần thứ nhất : Do Gia Ðình Phật Hóa Phổ đã lan rộng ra các tỉnh miền Trung, để được thống nhất về tổ chức, tu học, sinh hoạt nên Gia Ðình Phật Hóa Phổ thuộc Hội Phật Giáo Trung Việt được triệu tập tại chùa Từ Ðàm vào các ngày 24, 25, 26-4-1951 với sự tham dự của các Huynh Trưởng 9 tỉnh miền Trung là Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Ðà Nẳng, Bình Thuận, Di Linh, Lâm Viên, Ðồng Nai Thượng và một Phái đoàn dự thính của các Huynh Trưởng miền Bắc. Ðại Hội nầy đã thay đổi danh xưng Gia Ðình Phật Hóa Phổ ra Gia Ðình Phật Tử Việt Nam, về sau Ðại hội nầy được gọi là Ðại Hội Huynh Trưởng Gia Ðình Phật Tử toàn quốc lần thứ nhất.

Vào dịp Hè năm 1951 - sau đại hội Phật Giáo thành lập Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam vào các ngày 6, 7, 8-5-1951 - một trại huấn luyện Huynh Trưởng Kim Cang do Ban Hướng Dẫn Gia Ðình Phật Hóa Phổ tổ chức tại Huế, đây là trại huấn luyện Huynh Trưởng Gia Ðình Phật Tử Việt Nam đầu tiên, trại sinh tham dự gồm có Huynh Trưởng các tỉnh miền Trung, ở Bắc có các anh Lê Vinh, Trần Thanh Hiệp, Ðặng Văn Khuê và ở Nam có anh Nguyễn Hữu Huỳnh. Những người tham dự chính là hạt nhân để phát triển Gia Ðình Phật Tử toàn quốc sau nầy.

Từ trại huấn luyện Huynh Trưởng Kim Cang ở Huế về, anh Nguyễn Hữu Huỳnh đã vận động với bác Chánh Tâm Nguyễn Văn Thọ, Phó hội trưởng hội Phật học Nam Việt, đã thành lập tại nhà bác số 31 đường Nguyễn Thông, Gia Ðình Phật Tử Chánh Tâm.

Năm 1952, Hội Phật Học Nam Việt dời trụ sở từ chùa Khánh Hưng về chùa Phước Hoà, Gia Ðình Phật Tử Chánh Tâm dời về đây sinh hoạt, bác Chánh Trí Mai Thọ Truyền làm gia trưởng, bác đổi danh hiệu là Gia Ðình Phật Tử Chánh Tín (2).

b) Ðại Hội Huynh Trưởng Gia Ðình Phật Tử toàn quốc lần thứ 2 : Sau 2 năm, một đại hội khác cũng được tổ chức tại chùa Từ Ðàm vào các ngày 1, 2, 3-1-1953. Lần nầy có đông đủ đại biểu Huynh Trưởng Gia Ðình Phật Tử 3 miền Bắc, Trung và Nam.

Vào đầu năm 1953, anh Tống Hồ Cầm từ Ðàlạt về định cư ở Sàigòn, được Giáo Hội Tăng Già Nam Việt và Hội Phật Học Nam Việt yêu cầu đứng ra hợp nhất 2 gia đình Chánh Giác và Chánh Tín thành Gia Ðình Phật Tử Chánh Ðạo, đây là Gia Ðình nồng cốt của Gia Ðình Phật Tử Nam Việt.

c) Ðại hội Huynh Trưởng Gia Ðình Phật Tử toàn quốc lần thứ 3 : Do đất nước bị phân chia năm 1954, đại hội toàn quốc lần thứ 3, tổ chức tại chùa Linh Sơn ÐàLạt vào các ngày 31-7 đến 3-8-1955, chỉ có Phái đoàn của các tỉnh miền Trung và Miền Nam tham dự mà thôi.

Phải đợi đến lễ Thành Ðạo năm Bính Thân (20-1-1956) Gia Ðình Phật Tử Giác Minh thuộc Ban Ðại Diện Tăng Già Bắc Việt Tại Miền Nam, được khai sinh mở đầu sự hoạt động của các Gia Ðình Phật Tử Bắc Việt tại miền Nam sau nầy. Năm sau, Gia Ðình Phật Tử Minh Tâm tái hoạt động tại Sàigòn.

5.- Thời kỳ thống nhất Gia Ðình Phật Tử Việt Nam :

Ðến năm 1961, dưới sự chỉ đạo của Thượng Tọa Thích Thiện Minh, Ủy viên Thanh Niên Phật Tử thuộc Tổng Hội Phật Giáo Việt nam, đại hội Huynh Trưởng Gia Ðình Phật Tử toàn quốc lần thứ 4, đã được triệu tập tại chùa Xá Lợi - Trụ sở Tổng Hội Phật Giáo Việt nam - vào các ngày 26, 27, 28-12-1961 với khoảng 200 Ðại biểu tham dự, đã biểu quyết một Bản Nội Quy Gia Ðình Phật Tử Việt Nam, hợp nhất Gia Ðình Phật Tử thuộc Ban Hướng Dẫn 4 tập đoàn Phật Giáo ( Ban Hướng Dẫn Gia Ðình Phật Tử Trung Việt, Ban Hướng Dẫn Gia Ðình Phật Tử Nam Việt, Ban Hướng Dẫn Gia Ðình Phật Tử Hội Việt Nam Phật Giáo, Ban Hướng Dẫn Gia Ðình Phật Tử Giáo Hội Tăng Già Bắc Việt Tại Miền Nam), đặt dưới sự điều khiển của Ban Hướng Dẫn Trung Ương Gia Ðình Phật Tử Việt Nam và đã bầu Ban thường Vụ gồm có :

Trưởng Ban : Thượng Tọa Thích Thiện Hoa
Phó Ban ngành Nam : Anh Tống Hồ Cầm
Phó Ban ngành Nữ : Chị Hoàng Thị Kim Cúc
Tổng Thư Ký : Anh Trần Quang Thuận
Phó Tổng Thư Ký : Anh Cao Chánh Hựu
Thủ quỹ : Bác Nguyễn Ðức Lợi
và các Ủy viên khác.

Thật sự ra, Ban Hướng Dẫn nầy chưa làm được điều gì cả thì Pháp nạn 1963 xảy ra, cuối năm 1963, tại chùa Xá Lợi 11 tập đoàn Phật giáo đã thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, chia miền Nam thành 7 miền Phật Giáo, trong đó có miền Vĩnh Nghiêm, nên có Gia Ðình Phật Tử Miền Vĩnh Nghiêm.

Ðại Hội Huynh Trưởng Gia Ðình Phật Tử lần thứ 5, do Tổng Vụ Thanh Niên tổ chức tại trường Nữ Trung Học Gia Long Sàigòn từ ngày 26 đến ngày 28-4-1964, tham dự có 200 đại biểu của 42 tỉnh miền Nam Việt Nam và Phái đoàn Huynh Trưởng Gia Ðình Phật Tử Bắc Việt tại Miền Nam.

Ðại hội đã chia ra thành nhiều tiểu ban, họp bàn các vấn đề quan trọng, nhất là thông qua Bản Nội Quy, Quy Chế Huynh Trưởng, đặt nền móng vững chắc cho sự thống nhất tổ chức Gia Ðình Phật Tử Việt Nam từ đó.

Ðại hội đã bầu ra một Ban Hướng Dẫn Trung Ương với Anh Võ Ðình Cường làm Trưởng Ban, Anh Cao Chánh Hựu làm Tổng Thư Ký và những Ủy Viên khác, tổng cộng 26 người.

Ðã mở những trại Huấn luyện Huynh Trưởng A Dục, Huyền Trang, Vạn Hạnh. Ấn hành những tài liệu lập quy về hành chánh, những sách về tổ chức như Sứ Mệnh Người Áo Lam của Lữ Hồ, Gia Trưởng của Nguyễn Khắc Từ . . .Với những Huynh Trưởng tuổi trung bình ở Tam Thập Nhi Lập, Ban Hướng Dẫn nầy đã thực hiện từng bước vững chắc, quy củ cho tổ chức. Ðã mở ra một thời kỳ rực rở trong lịch sử Gia Ðình Phật Tử Việt Nam.

6.- Thời kỳ khó khăn trong nước và phát triển ở nước ngoài :

a) Ở trong nước : Tháng 4 năm 1975, Cộng sản chiếm miền Nam, không có tổ chức ngoại vi nào của Ðảng được phép hoạt động. Phật giáo bị kềm chế, Gia Ðình Phật Tử không được chính thức hoạt động, nhiều Huynh Trưởng bị tù đày, trong những năm đầu Gia Ðình Phật Tử sinh hoạt không được 5% so với trước 1975, tuy nhiên nhiều Gia Ðình Phật Tử vẫn kiên trì sinh hoạt, Ban Hướng Dẫn Trung Ương ngưng hoạt động, một Hội Ðồng Huynh Trưởng Cao Niên được hình thành để lãnh đạo tổ chức. Vào dịp vía Ðức Quán Thế Âm ngày 19-6 Âm Lịch năm 1990, Hội Ðồng Huynh Trưởng Cao Niên (BHDTƯ) dự định mở một kỳ Họp mặt toàn quốc tại chùa Linh Sơn Ðàlạt, nhiều đại biểu đã về dự nhưng vào phút chót không thể họp được, chỉ cử hành lễ Hiệp kỵ mà thôi. Ðến năm 1995, mới có một kỳ họp khác tại Trại Trường GÐPT Việt Nam ở Hồ Than Thở ÐàLạt, đã bầu lại Ban Hướng Dẫn Trung Ương Gia Ðình Phật Tử Việt Nam.

b) Ở nước ngoài : Các Huynh Trưởng di tản ra nước ngoài, lần lược thành lập Gia Ðình Phật Tử, từ các trại tị nạn cho đến những nước đã định cư như Mỹ, Gia Nã Ðại, Úc, Pháp, Ðức . . .

Tại Mỹ năm 1993, nhân kỷ niệm 50 năm thành lập Gia Ðình Phật Tử Việt Nam, ở California các Huynh Trưởng đã thành lập Ban Ðiều Hợp Trung Ương Gia Ðình Phật Tử Việt Nam Hải Ngoại, đã bầu anh Cao Chánh Hựu làm Trưởng Ban. Ðến năm 1997, Ban nầy đã chính thức trở thành Ban Hướng Dẫn Lâm Thời Gia Ðình Phật Tử Việt Nam Tại Hải Ngoại, sẽ là tổ chức cao nhất của Gia Ðình Phật Tử Việt Nam, để điều hành Ban Hướng Dẫn Trung Ương các nước.

III.- Hiệu quả : Mục đích của Gia Ðình Phật Tử là đào tạo Thanh, Thiếu, Ðồng niên trở thành Phật Tử chân chính và góp phần cải tạo xã hội theo tinh thần Phật Giáo.

Qua những lần Pháp nạn, thành viên của Gia Ðình Phật Tử từ Ðoàn sinh cho đến Huynh Trưởng, Gia Trưởng đã đem thân mạng của mình ra để góp phần tranh đấu về Tự do, Ðộc lập, Hòa Bình cho Ðạo pháp và Dân Tộc. Họ đã để lại tên tuổi như Nguyễn Thị Ngọc Lan, Huỳnh Tôn Nữ Tuyết Hoa, Nguyễn Thị Phúc, Lê Thị Kim Khanh, Trần Thị Phước, Nguyễn Thị yến, Nguyễn Văn Ðạt, Ðặng Văn Công, Quách Thị Trang, Ðào Thị yến Phi, Phan Duy Trinh, Nguyễn Ðại Thức, Phạm Gia Bình.

IV.- Kết luận : Gia Ðình Phật Tử đã, đang và sẽ luôn luôn cố gắng làm tròn sứ mệnh của mình.

Mặc dù hiện nay tổ chức đang gặp nhiều khó khăn, trong nước không được chính thức hoạt động, không thể tập họp để bầu một Ban Hướng Dẫn Trung Ương cho đủ người có tài đức đãm nhận nhiệm vụ, các nơi thiếu ban Hướng Dẫn địa phương để trực tiếp tổ chức, chỉ đạo và đôn đốc mọi hoạt động nhằm phục hồi và phát triển tổ chức.

Ở nước ngoài, vẫn còn thiếu người lãnh đạo, thời gian qua có những thử thách, làm cho người ta có dịp đánh giá được lãnh đạo ở mặt đạo đức và tài năng. Hơn nữa, đời sống ở nước ngoài hiện nay có những suy tư, nhận thức khác biệt giữa Huynh Trưởng thế hệ trẻ được đào tạo ở nước ngoài và thế hệ già đã không bắt kịp những tiến bộ của thời đại. Mặc cảm và tự tôn chính là trở ngại lớn cho đà tiến thủ.

Những khó khăn đó làm cho Gia Ðình Phật Tử chậm bước, dĩ nhiên rồi cũng vượt qua nhưng phải có thời gian, người ta tưởng chừng như nó đang nằm yên trong giấc ngủ mùa đông, thật ra không phải vậy, nó vẫn hoạt động, như một ngọn lửa đang âm ỉ cháy, chờ cho ngọn gió đến.

Labor Day 1998

Ghi chú : ( 1 ) Theo như anh Nguyễn Văn Thục cho biết, anh vào Nam tháng 10 năm 1949, sau đó anh sống bằng nghề dạy kèm, có tiền anh mới mở trường tư thục Gia Ðình Bổ Túc Học Vụ Chân Tri , từ trường nầy, một số học sinh của trường trở thành Ðoàn sinh của Gia Ðình Phật Hóa Phổ Chân Tri Sàigòn, sinh hoạt tại chùa Sùng Ðức ở Chợ Lớn, Sau dời về chùa Phật Quang của thầy Huyền Dung, thầy đổi tên là Gia Ðình Phật Tử Chánh Giác.

( 2 ) Anh Nguyễn Hữu Huỳnh nguyên là Phó Tổng Thư ký Hội Phật Học Nam Việt, anh cho biết khi Gia Ðình Chánh Tâm dời từ nhà Bác sĩ Nguyễn Văn Thọ về chùa Phước Hòa sinh hoạt, anh định lấy pháp danh của gia trưởng mới, để đặt lại tên của gia đình nầy là Gia Ðình Phật Tử Chánh Trí, nhưng bác ấy không muốn vậy, nên bác đổi ra là Gia Ðình Phật Tử Chánh Tín.

Tài liệu tham khảo :

Kiêm Ðạt Lịch sử Gia Ðình Phật Tử Việt Nam, Phật Học Viện Quốc Tế, USA, 198
Nhiều tác giả Gia Ðình Phật Tử Việt Nam - 50 năm xây dựng,Hương Quê Xuất Bản, USA, 1986
Thích Thiện Hoa 50 năm chấn hưng Phật giáo Việt Nam Phật Học Viện Quốc Tế, USA, 1987
GÐPT Vĩnh Nghiêm Khóa tu học ANOMA, Việt Nam, 1993
Nguyễn Văn Thục Lược sử Gia đình Phật Tử Việt Nam, Australia, 1994
Ái Hữu Gia Ðình Phật Tử Vĩnh Nghiêm Hải Ngoại Ðặc San Vĩnh Nghiêm, USA, 1995
Nguyễn Hữu Huỳnh Thử Tìm Hiểu Nguồn Gốc Gia Ðình Phật Tử, Việt Nam 1995
Tư liệu.

( * ) Trở về Mục Lục