Tản mạn về sàigòn

Thanh Liên

Không phải người sanh đẻ tại Sàigòn, tôi chỉ đến đó cư ngụ vài tháng trước khi người hùng của Chiến dịch Nguyễn Huệ, Thiếu tướng Dương Văn Minh cổ mang vòng hoa, đứng trên chiếc xe, hiên ngang dẫn đoàn quân chiến thắng trở về, diễn hành qua khán đài dựng trước trường Tiểu học Tôn Thọ Tường, đầu đường Trần Hưng Ðạo của Thủ đô Sàigòn. Ðó là Lễ Quốc Khánh, kỷ niệm Ðệ nhất chu niên ngày thành lập Quốc gia Việt Nam Cộng Hòa. Chính là ngày 26-10 -1956.

Tôi đã học hành, sinh cơ lập nghiệp và đã trãi qua 35 năm, hơn nữa cuộc đời với biết bao kỷ niệm vui buồn nơi đó. Vào một ngày đầu tháng 4 năm 1991, tôi phải rời bỏ nó sang xứ lạ quê người nầy, đôi khi cũng có Niềm nhớ không tên như Nhà văn Duyên Anh đã nói trong cuộn băng Thuý Nga Paris vĩnh biệt Sàigòn.

Nói về học hành thì Trường của tôi là một ngôi trường nằm ngay trung tâm thành phố, người Pháp xây cất vào năm 1906, đi bộ chỉ mất năm phút là đến chợ Bến thành, nhiều khi Giáo sư bị ốm đau bất thường, không đi dạy được, chúng tôi rời khỏi trường, đi lang thang dọc theo Ðại lộ Lê Lợi, ngắm nhìn giai nhân, tài tử nhất là nữ sinh với tà áo trắng, ngực ôm chiếc cập đen, tha thướt trên đường, trong chợ Bến thành nhưng cũng không thiếu những nữ sinh cúp cua vào trong rạp cinéma thường trực Lê Lợi nằm trên đường Lê Thánh Tôn, Vĩnh Lợi nằm trên Ðại lộ Lê Lợi, nhưng mà có một chỗ đắc địa, đó là Nhà hàng Kim sơn, ở góc đường Lê Lợi - Nguyễn Trung Trực, đến đó gọi một chai bia vừa nhấm nháp, vừa ngắm nhìn thiên hạ bàng quan qua lại thật là tuyệt vời.

Người ta thường nói Nhất quỉ, nhì ma, thứ ba học trò cho nên trước cửa trường là đường Huỳnh Thúc Kháng, gần như không có bóng hồng qua lại, nói vậy cũng quá đáng, thỉnh thoảng tôi có gặp một cô Xẩm tuổi trăng tròn, luôn luôn mặc váy đầm, có lẽ cô ta học trường Pháp, trông cô ta rất xinh, thỉnh thoảng đi qua trường để ra chợ Bến thành, trông nom cửa hàng vãi, đôi khi đang đi, cô ngoái nhìn lui lại, tôi bắt gặp một nụ cười... mấy chục năm qua rồi, đôi khi nhớ lại, tôi vẫn còn thấy nụ cười năm xưa, thấy đôi mắt đen nhánh chứa chan niềm hy vọng, và cô ta dạn dĩ lắm mới dám đi qua đoạn đường ấy, nhưng có ai ăn thịt cá gì ai đâu ?

Nghịch ngợm thì một hôm giờ ra chơi, anh em đứng ở cửa sổ trên lầu nhìn xuống, thấy một chiếc xích lô đạp mui trần, chở một cô gái đẹp chạy qua, một anh la to " Ê ! xích lô chở đào đi chơi hé ! ". Cô gái giận tràn hông, nguýt một cái rồi hất mặt qua bên kia đường, còn anh chàng Xích lô trẻ tuổi kia dở nón chào, ngước mặt lên với một nụ cười hả dạ, tươi không thể tả.

Mấy ông Thầy già thường hay nhắc rằng: " - Dãi phố bên kia đường có Rạp Hồng Bàng, ngày xưa vua Thành Thái ở dãi phố đó, ông ta là chơn mạng Ðế vương, đứa con nít nào bị ông ta quở sau đó ốm đau ngay, cha mẹ phải đến xin lỗi thì đứa trẻ mới hết bệnh ".

Ông Nguyễn Văn Trương Giám đốc nhà sách Khai Trí, Ðô đốc Tư lệnh Hải quân Trần Văn Chơn và Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cùng xuất thân từ trường đó. Năm tháng trôi qua, người ta dần dần quên Tổng Thống độc diễn Nguyễn Văn Thiệu, nhưng trong bài diễn văn đanh thép trên đài truyền hình trong giai đoạn ký Hiệp định Paris, một câu nói ông để lại mọi người khó quên " Ðừng nghe những gì Cộng sản nói mà hãy nhìn kỷ những gì Cộng sản làm ", có kẻ đùa dai nói rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đang nằm yên nghỉ tại Quảng trường Ba Ðình, bỗng nhiên ngồi dậy, ngó chung quanh rồi lập lại lời nói của mình " Sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng chân lý đó không bao giờ thay đổi !".

Ngày 11-11-1960, Tư lệnh Lực Lượng nhảy dù, Ðại tá Nguyễn Chánh Thi đem quân vây Dinh Ðộc Lập, nội bất xuất ngoại bất nhập, ông không có kinh nghiệm đảo chánh, nên không chiếm đài phát thanh Sàigòn, không chiếm Bưu Ðiện chánh Sàigòn, cho nên đường điện thoại vẫn liên lạc được, đài phát thanh mới phát lời kêu gọi cứu giá của Tổng Thống Ngô Ðình Diệm, Ðại tá Nguyễn Văn Thiệu và Trần Thiện Khiêm, đem quân của Sư Ðoàn 7 từ Mỹ Tho về cứu giá, ông Bửu Nghi quyền Giám Ðốc Ðài phát thanh lúc đó, một hôm đang dạy Anh Văn cho lớp chúng tôi, ông tiết lộ : " Nội bất xuất, ngoại bất nhập đâu có làm sao đem băng ghi âm tiếng nói của Tổng Thống từ trong dinh Ðộc Lập ra được, đó là một người nháy giọng Tổng Thống mà thôi ". Hồi đó chúng tôi tự hỏi ai vậy, ai có tài đó, đã cứu được Tổng Thống, cứu cả chế độ, làm hư cuộc đảo chánh, Nguyễn Chánh Thi và những cộng sự phải bay sang tị nạn ở Nam Vang. Người tài ba đó không ai khác hơn quái kiệt Trần Văn Trạch, chỉ nhờ tài nháy giọng mà cứu nguy cho Tổng Thống, năm 1955 tài tử điện ảnh Hồng Kông Lý Lệ Hoa, nỗi tiếng chẳng khác gì Elizabeth Taylor, sang Sàigòn trình diễn, sau đó Trần Văn Trạch hát một bài y như giọng Lý Lệ Hoa hát vậy. Ông có vợ đầm, có con là Trần Văn Trần, Trần Văn Trụi ... khi ông vượt biên sang Pháp, trả lời một câu hỏi, ông nói " Ở Việt Nam, cột đèn mà đi được, nó cũng vượt biên ! ". Nghệ sĩ Trần Văn Trạch đã từ bỏ thế giới văn nghệ của ông, nằm yên nghỉ trong lòng đất Paris, xin cắm một bông hồng để tưởng niệm ông.

Quốc Khánh năm 1957, lần đầu tiên Thủ đô Sàigòn có Hội chợ trong vườn hoa Thị Nghè, muốn vào Hội chợ phải mua vé vào cổng Sở thú, từ Sở thú đi qua một chiếc cầu đúc mới sang chỗ Hội chợ, đêm ấy người ta nô nức đi xem Hội chợ, tôi cũng trong đám người đó, lúc ấy chừng 7 giờ đêm, tôi vừa mới bước lên đầu cầu, thì cảnh chen lấn xô đùa nhau, kêu la vang dậy bắt đầu, cảnh sát nổ súng chỉ thiên, cũng không làm sao tái lập trật tự, tôi muốn đi lui cũng chẳng được, tôi bị người ta xô, người ta lấn, khi ra đến giữa cầu tôi muốn nhảy xuống sông bơi vào bờ cũng không làm sao leo lên lan can cầu, và tôi cứ bị xô lấn qua tới bên kia cầu, quần áo xốc xếch, giày săn- đan của tôi bị đứt quai, tôi không thấy ai bị thương tích gì nặng, sáng hôm sau báo chí đăng tin, tôi mới biết rằng có đến 17 người chết và mấy chục người bị thương phải đưa đi bệnh viện, sau nầy mỗi lần vào Sở Thú, đi ngang chiếc cầu định mệnh đó, tôi vẫn còn nhớ nỗi kinh hoàng của năm kia. Người ta đồn cầu sập, cầu gảy, thật ra không có sập hay gảy gì cả, chỉ vì cảnh xô lấn mà thôi, nguyên nhân có lẽ do bọn người xấu muốn tạo ra cảnh đó để cướp giật, họ cũng không ngờ cảnh hoảng loạn đã tạo ra đến nông nổi đó!

Nói đến Sở Thú, còn một chuyện phải nói ra, ở bên cạnh đền thờ Quốc tổ Hùng Vương, tức là đối diện với Viện Bảo Tàng, nơi đây có một con voi bằng đồng của Vua Thái Lan tặng, bên cạnh đó có vào năm 1958 hay 59, Phó Tổng Thống Ấn độ sang thăm Việt Nam, có đến đây trồng một cây Bồ Ðề, ngày đó báo chí đăng tin như vậy, gần đây tôi mới nghiệm ra tại sao Phó Tổng Thống Ấn Ðộ không trồng cây gì khác, mà cây trồng phải là thứ cây quý, chẳng hạn như có một cây hoa tên gọi là Hoa Sứ, có một thứ chuối gọi là Chuối Sứ, hoa ấy đẹp, chuối ấy ngon ngày xưa do phái đoàn vương quốc Thái Lan đi sang triều kiến nhà Nguyễn mang theo biếu hoa ấy, chuối ấy nên gọi là Hoa Sứ, Chuối Sứ, cho nên chuối sứ cũng còn gọi là Chuối Xiêm ( tên gọi nước Thái lan ngày xưa, Pháp phiên âm là Siam ), nhưng dừa xiêm, vịt xiêm, mãng cầu xiêm, vì nó không phải là vật cống sứ. Cây Bồ Ðề ấy phải là cây lấy giống từ Bồ Ðề Ðạo Tràng nơi Ðức Phật đã Nhập định 49 ngày đêm, tìm ra Chân lý cứu độ nhân loại, tại sao Báo chí không đăng tin Phó Tổng Thống Ấn độ trồng cây Bồ Ðề giống của cây Bồ Ðề nơi Ðức Phật thành đạo..", bởi vì người ta nói hồi đó tổng Thống Ngô Ðình Diệm muốn làm thế nào để Ðức Tổng Giám Mục Ngô Ðình Thục là vị Hồng Y đầu tiên của Việt Nam, như thế thì không nên để cho Phật giáo được đề cao.

Năm 1963, Cuộc tranh đấu của Phật giáo với chánh phủ Ngô Ðình Diệm, để yêu cầu không áp dụng Dụ số 10 đối với Phật giáo, một hôm tôi đến thăm Ðại Ðức Thích Chính Tiến tại Chùa Bồ Ðề ở Hàng Sanh, khi tôi đến nơi, quý vị Thượng Tọa, Ðại Ðức đang đọc và bàn từng chữ, từng câu của một bức tâm thư, sau khi quý vị họp bàn xong, tôi hỏi Ðại Ðức Chánh Tiến về nội dung bức tâm thư ấy, Ðại Ðức trả lời : " - Ðó là bức tâm thư của một vị Thượng Tọa chuẩn bị tự thiêu cúng dường, để đẩy mạnh cho cuộc đấu tranh của Phật giáo mau thành công..." , tôi nhớ vào một ngày Thứ ba, tôi muốn đến đài Phát thanh quân đội để ủng hộ tinh thần Anh Nguyễn Văn Bình đang phụ trách thu thanh, để phát thanh trên Ðài tiếng nói Quân đội, chừng 10 giờ sáng, tôi định đi từ nhà Họa sĩ Phạm Thăng, nơi tôi ở trọ, chạy xuống đường Hồng Thập Tự theo đó đến dài phát thanh, khi chạy đến công trường Dân Chủ có người chạy xích lô ngược chiều nói to :" Có một ông Sư vừa mới tự thiêu ở ngã tư Lê Văn Duyệt, Phan Ðình Phùng", Tôi tăng tốc chiếc xe Velo Solex, đến nơi ngã tư, thấy quý Tăng, Ni đang ngồi thành một vòng tròn thật lớn, an nhiên niệm Phật, ở giữa ngã tư nhục thân của một vị Tăng đã bị cháy đen, ngã nằm xuống, không xa, có một chiếc xe hơi hình như hiệu Austin, tôi thường thấy Anh Trần Quang Thuận, nguyên là Ðại Ðức Trí Không đệ tử của Ôn Ðôn Hậu, lái xe nầy, bên ngoài là Phật tử đang quỳ niệm Phật, dân chúng bàng quan, hiếu kỳ đứng xem, có chừng 5, 6 người Cảnh sát mặc áo trắng, lăng xăng yêu cầu người nầy tránh ra, người kia đi chỗ khác. Trước cảnh đó, tôi bị xúc động mãnh liệt, rồi tôi chạy đi báo tin cho những người cần biết, tôi quên chuyện đến Ðài phát thanh, mặc kệ Anh Bình với các ca sĩ thiếu nhi, trong đó có cả ca sĩ Trang Thanh Lan ngày nay.

Ngày 1-11-1963, sáng hôm đó, tôi đi sang chùa Bồ Ðề, đến trưa tôi đi xe bus xanh về, khi xe chạy đến cửa Sở Thú, tôi thấy khẩu đại bác đặt ở đó, bắn về hướng Lữ Ðoàn Phòng vệ Tổng Thống Phủ, cách đó chỉ chừng 500 thước, mọi người nhốn nháo, tôi tự hỏi chuyện gì đây ? Súng bắt đầu nổ trước giờ làm việc buổi chiều, có lẽ vào khoảng 12 giờ rưỡi. Cho đến hôm sau cuộc đảo chánh thành công, lúc đó ồn ào náo nhiệt là trước dinh Gia Long, nơi Tổng Thống Ngô Ðình Diệm ở và chùa Xá Lợi, Tăng, Ni Phật Tử đã được chở về.

Ai là quân nhân ở Sàigòn cũng biết Quân Vụ Thị Trấn, từ đó đến Trại Lê Văn Duyệt có tường rào xi măng, có hai cây trụ cột, trên đó có hình đầu hai con ngựa, rất đẹp, hàng ngày qua lại, nhìn nó tôi không hiểu gì cả, bởi vì hai cây cột ấy hình như là còn sót lại của những cây cột của một hàng rào, đứng trơ vơ, lẽ loi nhưng mà trông hai đầu ngựa ấy phải do tay thợ khéo đấp, có nghệ thuật. Sau nầy Nhà văn Thuần Phong Ngô Văn Phát, cho chúng tôi biết hồi xưa ở đó là mồ chôn tập thể những người làm loạn của Giặc Khôi, nên gọi là Mã Nguỵ, sau khi Pháp chiếm Nam Kỳ năm 1863, khoảng năm 1870 họ đã làm Trường đua ngựa ở đó, bấy giờ tôi mới hiểu hai cây cột kia là cột rào của Trường đua cũ.

Nói đến Mã Nguỵ, giặc Khôi không thể không nhắc đến câu nói mà người ta hay dùng :" Bộ nó là ông Hoành, ông Trắm sao ? ! ", để chỉ cho người ngang tàng, Ông Hoành ông Trắm là tay chân bộ hạ của Lê Văn Khôi, Theo quyển Chuyện khôi hài của Trương Vĩnh Ký in năm 1882 như sau :

Ông tiền quân Trắm (tổng Trắm), nguyên là người Bắc, bị đày vô Nam với ông Khôi. Sau giặc Khôi nổi lên mà bị binh trào hạ thành được, bắt đóng gông bỏ vô củi điệu về kinh.

Người ta thấy bị mang gông, người ta xúm lại, người ta coi, thì tổng Trắm bèn làm một bài thơ như vầy:

Thiên hạ ai ai có thấy không ?
Cang thường một gánh, chả phải gông !
Oằn oại hai vai quân tử trước,
Nghinh ngang một cổ trượng phu tòng.
Sống về đất Bắc danh thơm ngợi,
Thác ở trời Nam tiếng hãy không?
Nên hư cũng bởi trời mà chớ,
Sá dễ là ai hại đặng ông.

Có người viết về Thủ Khoa Huân, ông chống Pháp, năm 1875 bị bắt và xử tử hình, tại chợ Thân Trong ( tức chợ Phú Kiết ) tỉnh Ðịnh Tường. Tương truyền khi đó ông có ngâm bài thơ : Khi bị đóng gông.

Hai bên thiên hạ thấy hay không ?
Một gánh cang thường há phải gông !
Oằn oại đôi vai quân tử trúc,
Long lay một cổ, trượng phu tòng.
Thác về đất Bắc danh còn rạng,
Sống ở thành Nam tiếng bỏ không,
Thắng bại doanh thâu trời khiến chịu,
Phản thần đéo hỏa đứa cười ông.

Trương Vĩnh Ký ( 1837-1898 ) nhà Học giả thông thái, biết nhiều thứ tiếng, ông in Chuyện Khôi Hài năm 1882 còn ông Thủ Khoa Huân bị Pháp tử hình năm 1875 cách nhau có 7 năm, Trương Vĩnh Ký không thể lấy râu ông nọ cắm càm bà kia.

Nói về thơ văn cũng nên nói luôn, người xua có nói:" Ðồng Nai có bốn rồng vàng, Lộc họa, Lễ phú, Sang đàn, Nghĩa thi " , tức nhiên thi thơ Bùi Hữu Nghĩa ( 1807-1872 ) đứng hạng nhứt, chẳng hổ danh ông đậu Thủ Khoa kỳ thi Hương trường thi Gia Ðịnh năm 1835, ông làm quan vì một chuyện bênh vực cho dân, nên bị quan trên ghét, ghép tội cho ông, vợ ông phải bôn ba ra triều đình Huế, nhờ Phan Thanh Giản giúp đỡ, kêu oan cho chồng, ông được giảm án, bị đày đi làm trấn thủ ở An Giang, ông có để lại nhiều thơ văn, cả tuồng hát Kim thạch kỳ duyên, nhưng tôi thích câu đối của ông hơn, chẳng hạn câu đối khi ông hay tin vợ chết ở quê nhà:

Ðất chẳng phải chồng, bao nở thịt xương đem gửi đất,
Trời như có vợ, đặng coi gan ruột thử cho Trời ? !

Ðôi liễn ông làm để thờ thờ vợ:

Ngã chi bần, khanh độc năng trợ, ngã chi oan, khanh độc năng minh, triều quận cộng xưng khanh thị phụ,
Khanh chi bệnh, ngã bất đắc dưỡng, khanh chi tử, ngã bất đắc táng, giang sơn ưng tiếu ngã phi phu.

Ông Nguyễn Văn Nghĩa dịch :

Tớ nghèo, mình lo giúp, tớ oan mình lo kêu, chòm xóm đều khen mình đáng vợ,
Mình đau tớ chẳng nuôi, mình chết tớ chẳng táng, non sông thẹn phận tớ làm chồng.

Nói đến những nhà giàu thuở xưa, có chú Hỏa (Hui Bon Hoa) giàu quá cở, khởi đầu chú Hoả chỉ có mua ve chai, bán đậu phộng rang mà giàu cho đến nổi, cất nhà thương Sàigòn, cất chợ Bến Thành tặng cho chánh phủ, chánh phủ Pháp dở bỏ chợ cũ ở đường Nguyễn Huệ, chung quanh chợ Bến Thành đều là phố của chú Hỏa cho mướn, đứng trước chợ Bến Thành, nhìn qua dãi phố bên kia bến xe bus, thấy lố nhố mái nhà cao, đó là dinh cơ của chú Hỏa, nơi mà người ta đặt chuyện quay phim Con ma nhà họ Hứa. Mộ chú Hỏa nằm bên quốc lộ 1 cũ, gần núi Châu Thới.

Lớp giàu sau đó có :" Nhất Sĩ, nhì Phương, tam Xường, tứ Ðịnh. " Sĩ tức là Huyện sĩ, có nhà thờ Huyện sĩ, đó cũng là Nhà thờ họ đạo Chợ Ðủi, Huyện sĩ là thân phụ của Nguyễn Hữu Hào, là ông nội của Nam Phương Hoàng Hậu, người Pháp đã chọn gia đình giàu có bậc nhất ở trong Nam để ghép mối lương duyên đó. Phương là Tổng Ðốc Phương còn ông Ðịnh là một người Tàu, đã xây cất chợ Bình Tây tặng cho chánh phủ, trước kia trong giữa nhà lồng chợ có tượng của ông, sau 1975 tượng ấy cũng như tượng ông Trương Vĩnh Ký đứng trước Bộ ngoại giao đã bị lấy đi rồi. Khi ông Ðịnh mất, năm đó lúa chừng vài cắc một giạ, ai đi đưa đám tang bất kể lạ quen giàu nghèo, theo phong tục Trung Hoa, đều được lì xì ít nhiều, Ðám tang ông Ðịnh, gia đình ông đã lì xì một tờ giấy bạc con công (5 đồng) !

Sàigòn nói mãi cũng còn, tôi muốn nói thêm một chuyện nữa thôi, người ta hay tìm hiểu về lai lịch một ngôi chùa, chùa Sắc tứ Khải Tường, năm xưa vua Gia long bôn tẩu có vào đây lánh nạn, sau khi lên ngôi nhớ ơn đó mới Sắc tứ chùa, khi Pháp lấy thành Gia Ðịnh, sau xây dựng thành phố, mở rộng đường xá, chùa nằm trên đường Pháp xây dựng, nên đã dời chùa đi một nơi nào đó, tượng Phật của chùa sau đặt trong Viện Bảo Tàng Sàigòn, trong vườn Tao Ðàn có vài ngôi mộ, đó là những ngôi mộ thuộc chùa Khải Tường xưa, nó cũng là những ngôi mộ thuộc gia đình Nhà văn Thu Giang Nguyễn Duy Cần, tác giả Lão Tử Ðạo Ðức Kinh, Phật Học Tinh Hoa.

Sàigòn còn biết bao niềm thương, nổi nhớ trong tôi, tôi nghĩ đến một ngày nào đó khi trở lại Sàigòn, tôi sẽ đến vườn ông thượng nhìn lại những cây dầu, nay đã lớn đến bao nhiêu rồi, tôi sẽ nằm trên băng đá nhìn trời, tưởng niệm một thời thơ ấu tôi đã trãi qua nơi Sàigòn tráng lệ nầy, tưởng nhớ đến Nhân vật thằng Ðược trong tác phẩm Cay đắng mùi đời của Nhà Văn Hồ Biểu Chánh, một nhà văn tài hoa, tên tuổi của ông sáng chói, chỉ thua có Trương Vĩnh Ký nhà văn tiền phong trong Văn Học Miền Nam.

Tôi đã được chứng kiến cuộc Cách Mạng thành công 1-11-1963, cuộc đổi đời ở miền Nam năm 1975, hằng triệu người vui mừng hớn hở đổ xô ra đường chào mừng đoàn quân giải phóng, không ai có thể ngờ rằng đó lại là ngày đánh dấu thảm họa cho nhân dân miền Nam kéo dài hàng chục năm sau.

Sinh nhật thứ 55

Louisville, 13-5-1996

Hiệu đ�nh 866424032017

Trở về Mục lục