Một đời làm Trưởng
Phúc Trung
866406052020
Chương một: Một bước khởi đầu
10. Trại bay Phú Thọ Hòa, Cát Lái
Rồi chị Đào Thị Thành Đoàn Trưởng Đoàn Thiếu Nữ, một hôm nào đó lại rời bỏ Giác Minh, để lập gia đình riêng của chị. Ban Huynh Trưởng còn lại có anh Thục, anh Vui, anh Thanh, anh Minh, chị Phương, chị Thủy mà anh Minh thi buổi có, buổi không. Ban Huynh Trưng không được bổ sung thêm. Đoàn La Hầu La vẫn sinh hoạt linh động và đều đặn. Một hôm trước khi ra về, anh Đoàn Trưởng thong báo là tuần sau sẽ đi “Trại bay”, thức ăn nên chuẩn bị trước, lên đường khoảng 6 giờ chiều Thứ Bảy. Chúng tôi thường chọn 6 giờ khởi sự từ nhà lên đường, vì trước đó chúng tôi còn ở lớp học.
Rồi ngày Thứ Bảy đến, sau khi ở trường về đến nhà, tôi khoát ba-lô trong ấy đã chuẩn bị đầy đủ gồm một tấm “tang” nhà binh, một cái màn nhà binh, một cái chăn, một quyển sổ tay, dây dù để học gút, muổng, đủa, gà-men, bi-đông nước, một gói thức ăn gồm có bắp cải, tàu hủ chiên, dầu ăn, gạo, đậu phộng, tương hột, muối, đường và đậu xanh, tay cầm gậy, thế là leo lên lưng con ngựa sắt đạp về hướng Phú Thọ.
Hôm ấy lắc rắc mưa, đến chùa Giác Lâm đã tối, trời không có trăng, chúng tôi dựng lều trên đám cỏ xanh trong vòng rào, trước sân chùa cạnh cây Bồ Đề của Đại Đức Narada tặng cho chùa. Có lẽ là lần thứ 2 tôi đến đây cắm trại, lần trước trại Gia Đình sáng đi chiều về vì có các em Oanh Vũ. Như vậy đa số chúng tôi đã biết chỗ nào là đất, chỗ nào là đường đi lát gạch, tráng xi măng …
Chùa Giác Lâm, có nền cao, sân tráng xi-măng
Chùa Giác Lâm, trước đó tôi có dịp sưu tầm về lịch sử của chùa, được vị giáo thọ chùa Giác Viên lật sách chữ Hán đọc cho nghe, sau tôi có viết bài đăng trong tờ báo của Đội Sen Trắng, Đoàn La Hầu La, nay đã thất bổn. Niên đại tôi không nhớ chính xác lắm như sau: Vào khoảng năm 1830 chùa được ông Lê Văn Cẩm làm nghề bán đệm xây cất, cho nên chùa còn có tục danh là “Chùa Cẩm Đệm”. Hồi xưa, có con sông chảy ngang qua trước chùa Giác Lâm cũng như Giác Viên, trước ông Cẩm cất chùa Giác Lâm bên nây bờ sông, sau ông cất chùa Giác Viên bên kia bờ sông, cả hai đều day mặt ra sông, cho nên hai chùa nầy bây giơ nhìn hai hướng khác nhau, mà con sông ông Cẩm đã từng chèo ghe bán đệm, nay đã mất dấu rồi. Có thể con sông nầy xưa kia nối liền với Rạch Thị Nghè, bởi vì cuối rạch nầy ở Trung Tâm Chăn Nuôi Tân Sơn Nhất, ngay tại ngã tư Bảy Hiền cách chùa Giác Lâm không xa. Chùa Giác Lâm cũng như Giác Viên lần lần được trùng tu lại, mới được đẹp đẻ công phu, sắc xảo như ngày nay. Cả hai chùa thuộc Lâm Tế Chánh Tông, chùa Giác Lâm là tổ đình, Tây An Cổ Tự trên Núi Sam, Châu Đốc cũng thuộc hệ phái chùa Giác Lâm nầy.
Sau khi cắm trại, chúng tôi lo nấu cơm, trời mưa tuy nhỏ nhưng cũng đủ ướt áo quần, chúng tôi nhặt mấy viên gạch bể kê thành bếp, trên đường đi đã mua mấy bó củi ở cửa hàng tạp hóa ven đường, cho nên tuy trời mưa ướt át, nhưng chúng tôi cũng nấu ăn được dễ dàng, cũng một nồi cơm, bắp cải luộc chấm chao và đậu hủ chiên xắt mỏng chấm tương hột, bữa cơm tối với thức ăn đon sơ, nhưng luôn ngon miệng vì nhờ cơn đói bụng. Trại tôi bao giờ cũng là Nhụ, Đạm, Sước, Liên, trại khác như Thái, Tân, Nam, Nhung. Thường chúng tôi dựng 2 người chung 1 lều, đôi khi 3 người hoặc 1 người.
Sau khi cơm nước xong, trời tạnh mưa, anh Đoàn trưởng tập họp chúng tôi ở sân trên, theo chương trình là đốt lửa trại, trước tiên làm lễ phát nguyện của anh Nguyễn Đình Nam, sau đó sẽ vui chơi, giải trí rồi ăn chè.
Đoàn La Hầu La đi trại Gia Đình tại chùa Giác Lâm. Từ trái: Sước, Nam, Đạm, San,
Liên, Thái, Nhung
Đoàn tập họp thành một vòng tròn ở phía trái gần giữa sân chùa, ở giữa là đóng củi nhỏ. Sau khi anh Đoàn trưởng tuyên bố lý do buổi lửa trại hôm nay dành cho Lễ Phát Nguyện của anh Nguyễn Đình Nam, rồi anh châm lửa, ngọn la bắt đầu cháy từ một lon sữa bò chứa dầu hôi, lửa nhen nhúm vào củi, liếm láp từ từ bắt cháy, ánh sáng tỏa rộng, chúng tôi bắt đầu buổi lễ qua nghi thức chào kỳ hiệu, rồi niệm danh hiệu đức Bổn sư ba lần, sau đó chúng tôi ngồi xuống rồi anh Tân đoàn sinh quỳ xuống và bắt đầu phát nguyện.
- Hôm nay tôi Nguyễn Đình Nam, được gia nhập Đoàn La Hầu La thuộc Gia Đình Phật Tử Giác Minh xin phát nguyện giữ đúng 5 Điều luật, tôn trọng Nội quy Gia Đình Phật Tử và chuyên cần tu học để trở thành một Phật tử chân chính.
Lời phát nguyện vừa chấm dứt, một tiếng nổ ĐÙNG ! Lửa trại tắt, than, củi, tro bay tứ phía nhưng không một ai bị thương tích chi hết. May thay !
Tiếng nổ như để thực chứng lời anh Nguyễn Đình Nam, tôi chưa từng trải qua một trường hợp kỳ lạ ngẫu nhiên đó. Nhưng khi bình tĩnh lại, nguyên nhân vụ nổ là do lửa trại đốt trên nền xi măng ẩm ướt đã tạo nên vụ nổ, và chỗ đống lửa nền xi-măng bị khoét sâu chừng 5 phân, đường kính chừng gang tay. Kinh nghiệm sống động đó giúp chúng tôi nhớ và thêm vào trong các bài giảng về lửa trại, không nên đốt trên nền xi măng hay gạch bị ẩm ướt có thể gây tai nạn, vì hơi nước dưới nền sẽ nổ làm tung cát, bụi, gạch, đá bay vào người tham dự.
Sau tiếng nổ lửa trại lại tiếp tục, nhưng không có ánh sáng từ bếp lửa mà là ánh sánh của đèn pin, anh Nam được Đoàn Trưởng gắn huy hiệu Hoa Sen Trắng, phù hiệu Đoàn và tua vàng thuộc Đội Sen Vàng. Rồi chúng tôi hát, để mừng vui anh Nam đã chính thức là thành viên của Đoàn, rồi chuyện vui, cuối cùng chấm dứt bằng một nồi chè, mỗi người một chén.
Mưa đã tạnh từ lâu, nhưng cái ướt át sau cơn mưa vẫn còn, chúng tôi vào lều ngủ với cái ẩm thấp, chút lạnh sau cơn mưa.
Gần sáng tôi bị thức giấc,lắng tai nghe tiếng ếch, nhái và tiếng côn trùng kêu ra rả bên tai, đêm thật là yên tịnh, một lúc lâu sau, bỗng có tiếng kỉu kịt đều đặn khua ở ngoài kia rào chùa, lắng nghe cho kỷ, tôi nhận ra đó tiếng bánh gỗ của chiếc xe lăn trên đường đá, con đường chạy dọc theo hông trái của chùa và nằm cách chùa có những ngọn tháp, ngôi mộ của quý vị trụ trì, tiếng chỡ nặng của chiếc xe bò trong đêm khuya, tôi đoán chừng chiếc xe chở những cây tre, đem xuống chợ, dưới lườn xe có treo một ngọn đèn dầu hôi lù mù, lắc qua, lắc lại theo nhịp của bánh xe, đôi bò đi theo quán tính và người đánh xe đang ngủ gà, ngủ gật trong đêm.
Lờ mờ sáng tôi bị đánh thức dậy, vì một chuyện quan trọng đã xảy ra, đó là hai trại chúng tôi cắm trên 2 liếp huệ. Đầu hôm khi đến đây, tất cả chúng tôi thấy xanh xanh tưởng là cỏ, nên hai lều đều cắm trên hai líp huệ. Sự phát hiện nầy làm mọi người sững sờ, bởi vì chúng tôi vô tình có thể làm hỏng cả những bông huệ dùng để cúng Phật hay để làm tăng thêm cảnh đẹp của chùa.
Chúng tôi đề nghị vào chùa để sám hối với trụ trì, nhưng anh Vui bảo:
- Việc chúng ta vô tình làm hỏng cả huệ là việc đã rồi, vị trụ trì sẽ hoan hỷ tha lỗi cho ta, theo chương trình, chúng ta phải nhổ trại đi Cát Lái cho kịp giờ, hôm nào đó, anh sẽ quay lại tạ lỗi sau.
Chúng tôi nhổ trại trời chưa sáng, sau khi chúng tôi đỡ lớp Poncho lên, lờ mờ những bụi huệ bị đè bẹp hiện ra, cảnh tượng những bụi hoa bị dày xéo phủ phàng, làm cho mọi người bị thấm đẩm nổi buồn. Giả từ đất trại, lòng chúng tôi mang theo một nổi buồn ray rức vì những cành hoa huệ kia.
Chạy qua những con đường trong thành phố vào buổi sáng tinh mơ, có để ý chúng ta mới thấy được sự sinh hoạt bắt đầu một ngày mới, những chiếc xe thổ mộ chở bạn hàng với rau cải mang tới chợ sớm, những chiếc xe đạp phía sau đèo thêm những giỏ cần xé, có thể là những xe bán bánh mì buổi sớm, không khí trong lành, mọi người đi lại nhanh nhẹn trên đường, sắc mặt vui tươi, thỉnh thoảng ở góc phố ngã ba, ngã tư có quán hủ tíu, cà-phê đều có đông khách ngồi, họ đang thưởng thức mùi vị ly cà-phê nước nhất.
Rồi chúng tôi qua chợ Bến Thành, ra bến sông Sàigòn, xuống phà Thủ Thiêm, mặt trời hé mọc chiếu những tia sáng xuống mặt song ở phía Đông, mặt sông còn vường đám sương mù, xa xa phía Nhà Rồng vài con thuyền nhỏ một người chèo thoăn thoắt trên sông, vô tình tôi được thưởng thức cảnh đẹp bình minh trên sông Sàigòn. Phà ra giữa dòng sông, nhìn về phía Sàigòn, xe cộ đã tấp nập, mặc dù đó là ngày Chủ nhật.
Phà Thủ Thiêm trên sông
Sàigòn
Lên bờ chúng tôi chạy xe đạp một đổi, anh Vui ra lệnh dừng lại rồi cắm trại bên vệ đường, gần xóm nhà lưa thưa.
Theo chương trình, hôm nay chúng tôi học ôn về chuyên môn, sau khi dựng lều xong, chúng tôi đi mua thức ăn về nấu buổi trưa và thức ăn sáng. Trời hơi u ám, có thể có một trạn mưa kéo tới, chúng tôi không ai thích khi đi trại bị trời mưa. Một thi nhân Trung Hoa đã có câu thơ bất hủ:
雨無鈐鎖能留客
色不波濤易溺人Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách,
Sắc bất ba đào dị nịch nhân.Nghĩa là mưa không giữ ai, nhưng khách bị lưu lại không ra đi được, còn sắc đẹp không phải là sóng to, gió lớn nhưng dễ làm siêu lòng người.
Sau khi ăn sáng xong, Đội chúng tôi ngồi quay quần lại học ôn những gút Ghế đơn, Ghế kép, Thuyền chai, Gút căng lều. Tôi thích nhất gút nầy trước đây do anh Vui dạy cho, lều có 6 sợi dây căng, bao giờ chúng tôi cùng dùng gút căng lều nầy để dễ dàng dựng lều và dễ dàng sửa sang, căng lại cho mái lều căng thẳng. Học gút để áp dụng dựng lều, làm cầu treo, cổng chào …. Là những thứ để trình diễn, trong đời sống ít khi dùng, nhưng mà với tôi thì gút có ích cho tôi, lần đầu tiên tôi thắt cà-vạt không phải học ai cả, tôi chỉ nhìn thoáng qua một người thắt cà-vạt, sau đó tôi thắt rất dễ dàng, ấy cũng nhờ có học gút và biết áp dụng nó.
Trời có vẻ xấu hơn, chúng tôi bắt đầu nấu ăn buổi trưa, đang nấu trời bắt đầu nhỏ hạt, mưa lâm râm chúng tôi cũng hoàn tất được việc nấu ăn với nồi cơm, giá xào đậu hủ, rau muống luộc, đậu phộng rang.
Khi thức ăn nấu xong, đến giờ ăn, chúng tôi dọn ra và ăn trong lều, vì bên ngoài trời mưa nặng hột hơn. Thức ăn vẫn đơn sơ, nhưng trời mưa lạnh, bụng đói thành ra thức ăn ngon miệng.
Ăn xong, chúng tôi ngồi bó gối nhìn vào trong nhà, trong ấy cũng có những em bé nhìn ra chúng tôi, nhà các em và trại chúng tôi ngăn cách nhau một cái sân đất chừng 10 thước, các em cười đùa, chúng tôi nói chuyện vẫn có thể nghe được rõ ràng, các em không lấy chúng tôi làm lạ mắt, vì theo chúng tôi được biết gần đó cũng có một Gia Đình Phật Tử do các anh Nguyễn Văn Tá, Lê Văn Nam, Dương Văn Thơm thuộc Đội Sen Nâu, Gia Đình Chánh Đạo thành lập, hình như Gia Đình đó tên là Chánh An. Mây anh đó là bạn học cùng lớp với tôi.
Cứ ngồi nhìn các em và nhìn những giọt mưa suốt buổi trưa, cuối cùng chúng tôi được lệnh hạ lều, nhổ trại ra về trong cơn mưa. Qua phà Thủ Thiêm, lên bến Sàigòn chúng tôi chạy về vườn Tao Đàn cũng có tên là vườn Ông Thượng, vào phía cổng cạnh trụ sở Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam - nhà kiếng - Chúng tôi kết Đây thân ái trong cơn mưa chiều của Sàigòn, vẫn mãi mãi ghi trong tôi một ngày “Trại bay”, cũng là một ngày “Trại mưa” đáng nhớ.
Chùa Giác Lâm, Gia Đình Giác Minh nhiều lần cắm trại, về sau Trường A Dật Đa cũng sử dụng nơi nầy, cho nên vô tình chùa Giác Lâm trở thành Trại trường của Gia Đình Phật Tử Giác Minh và Trường Đào Tạo Huynh Trưởng A Dật Đa.