Một đời làm Trưởng

Phúc Trung

Chương một: Một bước khởi đầu

4. Trại tham quan chùa Trúc Lâm thị trấn Lộc Ninh tỉnh Bình Long

Vào dịp Tết Mậu Tuất năm 1958, anh Đoàn Trưởng đưa chúng tôi đi du ngoạn, cắm trại ở Lộc Ninh thuộc tỉnh Bình Long, khi chưa thành lập tỉnh nầy, năm 1957 về trước, Lộc Ninh thuộc quận Hớn Quản, của tỉnh Thủ Dầu Một. Năm 1972 Lộc Ninh trở thành Thủ đô của Cộng Hòa Xã Hội Miền Nam Việt Nam.

Đêm hôm trước khi lên đường, anh em chúng tôi tập họp tại chùa Kim Cương, ngủ tại chùa để sáng sớm mai dậy cùng đi ra ga Hoà Hưng. Chúng tôi gồm có Nhụ, Thái, Sước, Đạm, Liên, Thức, Đặng và tôi. Ây là lần đầu tiên chúng tôi ngủ tại chùa với các bạn trong Đoàn, chúng tôi kể cho nhau nghe những kỷ niệm thuộc các chuyến đi trại trước, vài câu chuyện vui, đặc biệt đêm ấy chúng tôi kể tên các thứ cười như cười mĩm chi, cười thầm, cười hô hố, cười ha há, cười gượng, cười e thẹn … hình như kể ra trên tram thứ, đặc biệt thỉnh thoảng có anh gọi tới:

- Em Liên ơi !


Hoặc:

- Em Liên ơi ! Em ngủ chưa ?

 

Gọi như thế, thích ý cùng nhau cười to, mặc dù đêm đã khuya, có lẽ Đại Đức Chính Tiến khó mà thanh tịnh, nhà bên cạnh cũng khó ngủ với chúng tôi, nhưng mà quá khuya rồi mòn mỏi cũng phải ngủ cho đến lúc anh Đoàn trưởng gọi dậy, chúng tôi làm vệ sinh nhanh gọn rồi đi ra đường đón xe Cyclo máy đến ga Hòa Hưng để lên tàu, sau khi lên tàu xong, đúng 5 giờ tàu lăn bánh trong đêm vẫn còn yên tĩnh, tàu chạy trong thành phố, qua những khu xóm lao động, đó đây nhà nhà đã lên đèn, tôi tưởng đến nhừng học trò siêng năng dậy sớm, để ôn bài vở vào trường học lại sau nhừng ngày nghỉ Tết. Chị bán xôi sửa soạn nồi xôi, đường, dừa, lá gói trong 2 cái gánh. Những anh thợ đi làm xa cũng dậy sớm để cỡi xe đạp đi làm, một vài người nhàn rỗi ra quán cà-phê thưởng thức ly cà-phê sớm, pha bằng chiếc vợt vải, đặt trong cái siêu, hương vị thơm nồng, có người gọi đó là cà-phê vớ, vài người có thói quen, đổ ly cà-phê nóng ra cái dĩa và uống cà-phê bằng cái dĩa, họ thưởng thức từng ngụm cà-phê, qua những câu chuyện thời sự ngoài Bắc, miền Trung ở Lục tỉnh hay Sàigòn hoặc ở ngay trong xóm lao động của họ.

 

Tôi mơ tưởng mênh mang rồi xe lửa qua cầu Bình Lợi, xe quẹo trái theo hướng đi Lái Thiêu, Bình Dương, xe lửa chạy ngang qua những xóm làng, những bãi đất trống khô cằn, chỗ nầy là Túc Trưng, chỗ kia là Hớn Quản, đến Hớn Quản có những khu rừng vừa mới khai phá để trồng cây cao-su hay cà-phê, cho đến 12 giờ trưa thì xe ngừng tại ga Lộc Ninh. Tôi nhìn thấy các toa của đoàn xe khác sẽ chuyển về Saigòn những thân cây rừng to lớn và những bành cao-su. Đó là đặc sản của đồn điền cao-su và rừng già ở Lộc Ninh.

 


Ga xe lửa Lộc Ninh vào thập niên 1940

 

Chúng tôi xuống xe, vai mang ba-lô, tay hoặc cầm cờ hay cầm gậy tiến về chùa Trúc Lâm của Đại Đức Thích Quảng Long, chúng tôi đi ngang qua khu vực chợ của thị trấn Lộc Ninh. Thị trấn nằm ven quốc lộ 13, đi qua Banmêthuộc để tới địa danh Ba Biên Giới: Việt, Miên, Lào; thị trấn nằm chỗ thung lung xung quanh bao phủ bởi đồn điền cao-su, dân cư được phân phối ở rải rác thành những làng 1, 2, 3 …chùa thầy Quảng Long nằm gần thị trấn và giáp với vườn cao-su, chùa cũng bằng chùa Giác Minh thuở đó, gồm Chánh điện, bên trái là Trai đường, phía sau Trai đường là Hậu liêu của Thầy và sau đó là nhà Trù, sát bên cạnh chùa có một dòng suối, bước qua dòng suối là vườn cao su.

 

Tại Lộc Ninh tuy là vùng xa xôi nhưng có đến 3 ngôi chùa thuộc GHTGBVTMN, gồm chùa Trúc Lâm, chùa Từ Quang, có lẽ đã được xây cất từ lâu, chùa xây gạch, lợp ngói, có cổng tam quan do Thượng Tọa Thích Đức Tuệ trụ trì, chùa nằm trên con đường chánh của thị trấn, gần chợ, cạnh bên Quốc lộ 13. Còn ngôi chùa của Đại Đức Đức Huân cách đó một đổi xa, nằm gần phi trường nhỏ dùng cho loại phi cơ L19 hay Cesna thuộc đồn điền cao-su.

 


Đoàn La Hầu La từ trái: Giáp, Nhụ, anh Bình, anh Thanh, ĐĐ. Quảng Long, một bác Phật tử, Đặng, Thức, Tông, Thái, Đạm

 

Chùa của Thầy Quảng Long có Gia Đình Phật Tử Giác Tâm, lên đây chúng tôi sinh hoạt với GĐPT Giác Tâm và phối hợp để tổ chức một đêm văn nghệ. Trong Đoàn có anh Nguyễn Thanh Bình là nhân viên Bộ Thông Tin, bạn của anh Đoàn Trưởng tháp tùng theo chuyến đi, anh đã tập chúng tôi hát bài hát vui giọng người Thượng:

 

“Ô ! Mi păm rồ, phà xồ hớp ra. Ố mi păm rồ, phà xồ hớp ra. Ô ! mi chiên rà mì mì ca chiên rà xà riêng !”

 

Anh cũng đã tập cho đoàn Nam oanh vũ Giác Tâm vũ khúc Châu Pha Rừng, anh em chúng tôi tập dượt vài bài đơn ca và một vở kịch thơ của soạn giả Viên Thuật nổi tiếng ở đất Bắc, đóng kịch gồm có Nhụ, Thái, Liên, Đạm và Giao, nội dung đại khái mô tả hoàn cảnh cùng khổ của một lớp người trong xã hội.

 

Đêm văn nghệ mang lại thành công rực rở, tiết mục vũ khúc “Châu Pha Rừng”, tôi chỉ còn nhớ “Châu Pha rừng, đầy voi, heo, hùm …” , các em Oanh Vũ hóa trang vẻ mặt bôi vẻ quằn quện, thân mặc quần đùi, quấn chung quanh quần một lớp lá chuối xé te tua. Lời hát, điệu vũ, tiếng  nhạc làm cho mọi người cảm thấy như mình đang ở trong khu rừng âm u, tôi chợt nhớ lại kỳ lửa trại của trại Hè học sinh năm 1956 tại Vũng Tàu, tổ chức ở bãi đất chéo trước khu nhà nghỉ của Trại hè, một đống lửa to, hai, ba chục trại sinh đã trình diễn vũ điệu nầy, thật sống động khi họ nhảy múa xung quanh đám lửa cháy bập bùng.

 

Riêng vở kịch, anh em đã diễn tả tuyệt vời, làm cho khán giả bị xúc cảm, trào dâng nổi xót thương cho thân phận của em bé, nhiều khán giả đã móc túi lấy tiền ném lên sân khấu, Đạm đóng vai em bé nghèo khổ đó, phải khựng lại trong vai của mình, cậu ta đi nhặt tiền bỏ vào nón, rồi quay xuống phía khán giả nói lời cám ơn. Cảnh nầy hồi nhỏ ở nhà quê đi xem Cải lương, hát ở Đình hay nhà lồng chợ, một vài tuồng có vai người ăn xin, họ thường cất tiếng ca: “Cầu xin bà con xót thương dùm tôi …”, cảnh ăn xin rất thường làm mũi lòng khán giả ngồi thượng hạng, gần sân khấu, họ ném tiền lên cho, nhưng trong vở kịch nhân vật cậu bé nghèo mà Đạm đóng vai đó không ăn xin, vậy mà khán giả vẫn ném tiền lên cho, như thế vở kịch có giá trị, nhưng từ đó về sau tôi không thấy có Gia Đình Phật Tử nào trình diễn, phải chăng nó đã bị thất bổn.

Rồi đêm văn nghệ cũng tàn, khan giả ra về hết, còn lại anh em chúng tôi dọn dẹp bàn ghế, sân khấu. Chúng tôi rất vui mừng vì đạt được sự thành công, có thể vì nơi đây hẻo lánh nên ít có văn nghệ phục vụ quần chúng, được chúng tôi mang lại cho niềm vui, họ dễ dàng tán thưởng bằng những tràng pháo tay, mà cũng có thể anh em đã trình diễn như những nghệ sĩ lành nghề, mang lại được cho khán giả một đêm giải trí ở chốn xa xôi nầy.

 

Hôm sau có bác Mịch một Phật tử của chùa, chở chúng tôi bằng xe Traction đến thăm viếng gia đình và vườn nhà bác, sau đó đến viếng một “buôn Thượng”, nhưng hình như những người nầy là người Việt gốc Miên vì tôi thấy trong nhà họ treo những hình ảnh của quốc vương Norodom Sihanouk và hoàng hậu Monique. Cũng có thể do họ thấy ảnh quốc vương và hoàng hậu mặc triều phụ đẹp nên họ treo trong nhà, nhưng lại để ở chỗ trang trọng nhất.

 

Tại đây họ tiếp đón chúng tôi vui vẻ và cho hái nhừng trái me khô ăn, lần đầu tiên tôi tiếp xúc với người thiểu số, tôi không thấy họ xa lạ lắm vì gần quê tôi cũng có Sóc người Miên, khác chăng là ở đây đàn ông ở trần, che thân bằng cái khố, còn đàn bà chỉ mặc xà-rông.

 

Hôm sau nữa chúng tôi rời khỏi Lộc Ninh, sau gần một tuần lễ ở đây, để tập dượt và trình diễn văn nghệ. Chúng tôi ra ga Lộc Ninh đến 12 giờ 30, xe lửa lăn bánh, từ từ xa dần thị trấn, mang chúng tôi trở lại Sàigòn, chuyến du ngoạn nầy cho tôi biết một vùng xa xôi, có những người dân phu của đồn điền cao-su, ở nơi rừng thiêng, nước độc, nơi đó có chùa, có nhiều Phật tử, họ có đức tin, tin đức Phật bậc cao cả đã chỉ đường cho mọi người đi tới giải thoát cảnh lầm than  cõi Ta Bà nầy, hay đức tin của họ là tin vào quyền năng của chư Phật, chư Bồ Tát sẽ gia hộ cho họ và gia đình họ qua những lời họ cầu xin. Nhưng tôi tin rằng có chùa, có quý Thượng Tọa, Đại Đức giảng dạy, Phật tử dần dần họ sẽ trở thành Phật tử chân chính, biết sám hối những lỗi lầm đã qua, tự tu tâm và sửa tánh mình, làm theo lời Phật dạy để cải nghiệp, để đi đến con đường giải thoát và Gia Đình Phật Tử ở đó đang thành lập sẽ được học Phật pháp, trong lòng họ đã có giống Bồ Đề sẽ được vun trồng, dần dần nẩy nở và lan rộng sau nầy.

Trở lại bài 3  -  Xem tiếp bài 5