Vũ Trụ Và Con Người
dưới cái nhìn của Khoa Học, Triết Học và Tôn Giáo
*
Một đêm trăng đầy sao trên bầu trời xanh, chung quanh rừng núi âm u hay cánh đồng cỏ bao la, không tiếng chó sủa trăng hay tiếng gà gáy báo canh thâu, cũng chẳng có tiếng côn trùng, cảnh vật thật yên tĩnh. Ở vào cảnh ấy, con người thấy mình nhỏ bé không khỏi tự nêu ra những thắc mắc như Vũ Trụ nầy do đâu mà có? Nó có tự bao giờ? Và con người chúng ta do đâu mà có?
Qua tín ngưỡng, tôn giáo, triết học, khoa học... đều có lý giải về vấn nạn lớn lao nầy, nhưng chưa có câu trả lời thõa đáng chung cho mọi người. Tùy theo mỗi người có một nhận định riêng và chấp nhận câu giải đáp theo quan điểm của mình, hàng nghìn năm trôi qua, người ta vẫn còn thắc mắc, vẫn còn đi tìm câu trả lời cho chính mình, nhưng vấn đề vẫn còn đó, qua bài viết nầy, chúng tôi muốn tìm hiểu, để có một đức tin vững chắc, làm nền tảng tinh tấn tu học.
Tín Ngưỡng. Theo tín ngưỡng của Trung Hoa hay Việt Nam, đại đa số người ta tin rằng trên bầu trời kia có một ông Trời và bá quan văn võ của Trời gọi là Thiên đình. Ông Trời là đấng tạo hóa ra muôn loài, vạn vật. Ông Trời có quyền thưởng phạt mọi người, ai ăn hiền ở lành thì được hưởng phước giàu sang, phú quý, có quyền tước; ai hung ác thì bị phạt nghèo khổ, tù đày, bệnh tật, tai nạn, tử vong.
Một câu chuyện, xãy ra chẳng lâu, còn ghi trong chuyện xưa tích cũ, để nói về tín ngưỡng nêu trên là chuyện ông Thủ Huồng, nay vẫn còn dấu tích ngôi chùa Thủ Huồng, ở Cù Lao phố thành phố Biên Hòa và địa danh Nhà Bè ở Sàigòn, phát xuất từ cuộc đời của ông, chuyện như sau :
Ngày xưa, có lẽ chừng non 300 năm trước, tại Cù Lao Phố, Biên Hòa tỉnh Ðồng Nai, có ông Võ Thủ Hoằng làm chức Nha lại, giàu có nỗi tiếng nhờ cho vay tiền lấy lời nhiều. Vợ mất sớm, chưa con cái, cảnh quạnh hiu nên ông đi thiếp xuống Âm phủ, lúc đi thiếp, dọc đường ông thấy có một cái gông thật lớn, hỏi người khác, họ cho biết gông ấy dành cho ông Thủ Huồng, vì ông ta ở trần gian làm nhiều điều ác đức, nghe vậy sợ quá, ông ta hỏi thêm phải làm sao để khỏi bị đóng gông đó, người ta dạy là phải ăn hiền ở lành, tu nhân tích đức.
Khi trở lại dương trần, ông ta bèn lấy tiền của ra bố thí cho người nghèo, thuở xưa không có tàu bè, đi lại trên sông, biển bằng ghe, ở cửa ba sông nơi Nhà Bè bây giờ hồi xưa không có nhà cửa, đến đó mà không có gạo, nước ngọt, củi phải đi vào sông Sàigòn, đến Bến nghé (Gia định) mới mua củi, gạo xin nước ngọt được, thấy sự bất tiện đó, cực nhọc cho những người nghèo, chèo ghe đi lại khó khăn, ông ta mới làm một cái bè ở giữa ngã ba sông, trên ấy cất một cái nhà để sẳn gạo, củi, muối, nước ngọt cho những ai qua lại cần cứ lấy mà dùng, thứ nào hết ông cho người tiếp tế thêm, nơi có cái nhà trên cái bè ấy, dần dần nó trở thành địa danh Nhà Bè cho đến ngày nay.
Sau một thời gian, ông ta lại đi thiếp, thấy cái gông đã nhỏ lại nhưng vẫn còn, đã thấy kết quả như vậy, ông ta về dương thế lại đem hết của cải ra bố thí thêm và cất một ngôi chùa Phật, ngày nay vẫn còn, tên là Chùa Thủ Huồng, ở Cù Lao Phố, cách Cầu Gành chừng một cây số ngàn.
Một vị thái tử của Tàu mới sanh ra trong lòng hai bàn tay có chữ "Thủ","Huồng", bên Tàu không hiểu nghĩa là gì ? (Vì chữ Huồng là chữ Nôm, người Tàu đọc không được). Sứ Việt Nam được hỏi đến, chỉ biết đọc chữ "Thủ Huồng" nhưng cũng không biết ý nghĩa. Trở về Việt Nam Sứ tâu lên vua ta, vua cho dò hỏi ra tông tích mới trả lời, đó là tên ông Thủ Huồng người Việt Nam đã chết, nay còn ngôi chùa ở đất Biên Hòa. Về sau vị thái tử ấy lên ngôi là vua Ðạo Quang, nhà vua có ban cho chùa Thủ Huồng 3 pho tượng Phật.
Còn một chuyện nữa, báo chí ở Sàigon trước kia có đăng tin nầy :
Khoảng năm 1970, gần châu thành Long An, khu mộ Nguyễn Huỳnh Ðức, có một anh lính, là con bất hiếu, rượu chè be bét. Một hôm say rượu, về nhà tìm người mẹ già, bà ta nghèo mà còn phải nuôi con dại của anh ta, bảo mẹ đưa tiền cho anh ta mua rượu uống, bà mẹ không có tiền đưa, anh ta xách dao rượt mẹ, trời đang mưa, bà mẹ chạy băng qua cánh đồng, anh ta rượt theo, "trời trồng" anh ta ở thế đang cầm dao rượt mẹ. Người ta không thể nào hạ anh ta nằm xuống, đành phải xây mộ đứng, âu cũng là để làm gương cho những kẻ bất hiếu, hung tàn, bạo ngược ở đời nay.
Trời ở trên chín tầng cao để có thể xem xét khắp thế gian, giúp Trời cai quản trần gian có những vị thần như thần núi, thần sông, dưới nước có Long cung do vua Rồng cai quản các loài tôm, cá, trên Trời có thần Sấm, thần Sét, Thiên Lôi. Trong nhà có Táo quân xem xét việc làm hàng ngày, vào ngày 23 tháng Chạp lên Thiên đình báo cáo, ngay trong người có hai bên vai vác, để ghi chép mọi việc thiện ác của mỗi người.
Như đã nói, Trời là đấng tạo hóa muôn loài, nhưng ở trên chín tầng mây kia, nên Vua là con của Trời (Thiên tử) ở trần thế, vua thay Trời cai trị nhân gian.
Người ta cũng tin rằng, con người ngoài thể xác còn có linh hồn, sau khi chết linh hồn lìa khỏi xác, sẽ đầu thai lại làm người hay cầm thú do có tu nhân tích đức hay không, nếu lúc sống làm nhiều tội ác, khi chết linh hồn sẽ bị Quỷ sứ dẫn xuống âm phủ, nơi đây Diêm Vương sẽ phán quyết hình phạt ở địa ngục. Mỗi năm vào Rằm Tháng Bảy, thân nhân cúng kiến, cầu xin có thể được Diêm Vương tha tội.
Về địa ngục và những hình phạt ở Âm phủ thực hư chẳng rõ, nhưng ngoài sự tích ông Thủ Huồng, chúng ta có thể xem quyển Cô Ba Cháo Gà Du Ðịa Ngục do chính đương sự là Sư cô Thích Nữ Huệ Hiền tức Huỳnh Thị Nhi ở tịnh thất Liên Hoa Mỹ Tho kể, được ngài Thích Nhựt Long ghi chép lại và viết lời giới thiệu. Nội dung sách nói về Âm phủ, các tội hình nơi địa ngục và cõi trời Tứ Thiên Vương, cho người ta biết Âm phủ và cõi Trời có thật, để khuyến người xa lánh việc ác, làm lành tu nhân tích đức.
Tín ngưỡng dân gian Việt Nam như thế có điều hay là khuyến hóa người ta ăn hiền ở lành, nhưng cũng dẫn đến điều tệ hại là phần nhiều người tin theo một cách mù quáng, chuyện chi cũng cúng, vái, cầu, xin. Không chịu cần kiệm làm ăn, lúc túng thiếu, đổ cho là tại ông Trời, bệnh hoạn không lo chữa trị bằng thuốc thang, cho là tại thần linh quở phạt, hay quỷ ma làm hại, lo đi cúng tế.
Xét cho kỹ, tín ngưỡng của mọi dân tộc, cũng như người Trung Hoa và Việt Nam, khởi đầu từ Thần thoại để giải thích những hiện tượng thiên nhiên như mưa thì cho là do Rồng phun nước, sấm sét thì cho là Thiên lôi cầm lưỡi tầm sét đánh đuổi ma quỷ.., qua một thời gian lâu dài, Trung Hoa phát sinh đạo Khổng, đạo Lão, Ấn độ có đạo Bà La Môn, đạo Phật. Khi đạo Phật đã du nhập vào Việt Nam và Trung Hoa dần dần đạo Khổng, đạo Lão và đạo Phật dung hợp thành ra "tam giáo đồng nguyên" hay nói khác hơn là người ta chấp nhận và tin theo cả ba tôn giáo.
Chúng ta có thể dễ dàng thấy có gia đình trong nhà thờ cúng ông bà, họ biết có Phật nhưng họ không có quy y tam bảo, không đi chùa, lễ Phật. Nhưng khi cúng kiến thì họ cũng khởi đầu câu vái : "Nam Mô A Di Ðà Phật ..."
Trong dân gian có rất nhiều chuyện đời xưa ghi đậm dấu ấn về tín ngưỡng dân gian, chuyện Thằng Bờm là một. Xin tóm tắc câu chuyện như sau :
Ngày xưa có một thằng bé mồ côi cha mẹ, tóc nó có một cái bờm, nên người ta gọi nó là thằng Bờm. Nó sống trong gia đình ông nhà giàu kia, người ta gọi đó là ông Phú hộ, ông bắt nó chăn trâu cho ông để đổi lấy miếng cơm manh áo hàng ngày.
Một ngày kia thằng Bờm, lùa trâu ra ngoài đồng cho ăn cỏ, rồi nằm dưới bóng cây nghỉ lưng, gió mát hiu hiu thổi, nó ngủ quên đi tự lúc nào.
Khi tỉnh dậy nó không thấy mấy con trâu của ông Phú hộ ở đâu hết, còn những đám mạ của người ta đã bị trâu lớp ăn, lớp dậm phá hư hết, lúc đó thằng Bờm hiểu ra rằng người ta đã bắt hết trâu để bắt đền đám mạ, nó hiểu tội nó chẳng những bị ông Phú hộ đánh dòn mà còn phải ở đợ thân nó để lấy tiền trả cho đám mạ.
Vừa lo sợ, vừa tủi thân thằng Bờm ngồi bó gối gục đầu xuống khóc, một lúc nó cảm thấy có bàn tay ai đó để trên vai, giọng nói hiền từ hỏi nó :
- Này con ! Sao con khóc ?
Thằng Bờm ngẩng đầu lên, mở mắt ra nhìn, nó thấy một người hiền từ đang đứng trước mặt nó, ông ta nói tiếp :
- Ta là Bụt, thấy con khổ nên ta hiện ra để giúp con, tìm lại mấy con trâu kia và đền đám mạ cho người ta.
Nghe như thế thằng Bờm chẳng những không còn khóc nữa mà lại vui mầng, xin với Bụt :
- Xin ông giúp cho con, nếu không con sẽ bị ông Phú hộ đánh con chết mất.
Bụt liền lấy trong túi áo ra một cái quạt bằng mo cau, đưa cho thằng Bờm và dạy rằng:
- Ðây là cây quạt ước, con ước muốn chi thì con ước rồi quạt ba cái, điều con ước sẽ có, nhưng con hãy nhớ rằng nếu con ước những điều tốt lành có lợi cho mọi người, cây quạt sẽ không sao, nếu con ước điều chi độc ác, có hại cho kẻ khác, cây quạt sẽ teo nhỏ lại, nhỏ dần cho đến khi biến mất thì con cũng chết theo nó. Ta dặn con có bấy nhiêu đó, con hãy rán cẩn thận gìn giữ nó.
Nói xong Bụt biến mất, Bờm quỳ xuống lạy tạ ơn. Lạy xong, Bờm liền ước: "Ước chi mấy con trâu của ông Phú hộ về lại đây như cũ", ước xong nó quạt 3 cái, tự nhiên mấy con trâu của ông Phú hộ hiện ra ăn cỏ ở bờ đê, nó mừng quá lùa trâu về chuồng.
Người chủ đám mạ đến nhà ông Phú hộ bắt đền, ông Phú hộ gọi thằng Bờm ra để bắt đền đắm mạ cho người kia, vì tội nó không cẩn thận chăn giữ đàn trâu. Thằng Bờm xin với ông Phú hộ và người chủ đám mạ, để nó ra ruộng đền lại đám mạ như xưa. Mọi người không tin nhưng cũng để cho nó đi. Ra đến nơi nó lại ước : "Ước chi đám mạ xanh tốt như thường", ước xong nó dùng quạt mo quạt 3 cái, tự dưng một luồng gió thổi qua, đám mạ xanh tốt như xưa.
Ông Phú hộ cũng như người kia biết thằng Bờm đang có cây quạt ước, một vật rất quý báu, do đó ông Phú hộ động lòng tham, ông nghĩ cách cướp đoạt cái quạt ước kia của thằng Bờm, được nó ông sẽ ước những món ngon, vật lạ. Nghĩ rồi làm, ông Phú hộ chờ cho thằng Bờm ngủ, ông lén lấy cây quạt dấu kín, khi thằng Bờm thức dậy, ông bèn đuổi nó đi.
Thằng Bờm vừa bị mất quạt lại bị ông Phú hộ đuổi đi, nó ra cánh đồng rồi chẳng biết làm chi, đi đâu, mệt mỏi nó nằm dưới gốc cây khóc, khóc mệt rồi ngủ thiếp đi. Trong khi đó có một con quạ tưởng thằng Bờm là một cái thây ma, nó bay xà xuống, đáp trên ngực thằng Bờm, định mổ thịt ăn, ngay lúc ấy vì móng chân quạ làm đau, thằng Bờm chợt tỉnh dùng tay chộp bắt được con quạ.
Con quạ biết tiếng người, nó nói với thằng Bờm :
- Tưởng anh là thây ma, nên tôi mổ thịt ăn cho đỡ dạ, chẳng ngờ anh còn sống, vậy xin anh tha mạng cho, cần chi tôi sẽ giúp anh.
Thằng Bờm nói với quạ:
- Ta bị lão Phú hộ lấy cây quạt mo, quạt ấy của Bụt cho, nay ta tha cho ngươi, nhưng ngươi làm ơn bay đến nhà lão Phú hộ, rình lúc lão cầm quạt, ngươi lấy nó đem về cho ta.
Quạ bằng lòng, bay về hướng nhà ông Phú hộ.
Còn ông Phú hộ sau khi đuổi thằng Bờm đi rồi, ông đắc chí được cây quạt ước quý hơn vàng, ông vào buồng ngủ mở cái rương xe, lấy cây quạt ra ngắm nghía, bỗng cây quạt bay vút đi, nhìn kỷ ông thấy con quạ vừa sớt nó mang đi.
Ông nghĩ, thằng Bờm được quạ giúp, lấy lại quạt nhưng nó là thằng bé khờ khạo, ông phải đi tìm nó gạt gẩm đổi món nọ vật kia, để lấy cho bằng được cây quạt ước còn quý hơn vàng.
Con quạ mang cây quạt mo về trả cho thằng Bờm, một chốc thì ông Phú hộ đến gạt gẩm nó, ông đề nghị đổi món nọ vật kia, như sau :
Thằng Bờm có cái quạt mo,
Phú ông: "- Xin đổi ba bò chín trâu."
Bờm rằng: "- Bờm chẳng lấy trâu."
Phú ông: "- Xin đổi ao sâu cá mè,"
Bờm rằng : " - Bờm chẳng lấy mè."
Phú ông: " - Xin đổi một bè gỗ lim."
Bờm rằng : " - Bờm chẳng lấy lim."
Phú ông: " - Xin đổi đôi chim đồi mồi."
Bờm rằng : " - Bờm chẳng lấy mồi."
Phú ông: " - Xin đổi nắm xôi."
Bờm cười.
Qua chuyện thằng Bờm cho chúng ta thấy dân gian có tín ngưỡng, tin Trời là đấng sinh hóa muôn loài, Bụt là Phật từ bi, luôn luôn cứu giúp mọi người khi hoạn nạn, chuyện chứng tỏ sự pha trộn tôn giáo trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam.
Chuyện sau đây cho thấy Trời là đấng tạo hóa:
Khi tạo thiên lập địa, ông Trời tạo ra con người và muôn loài, cuối cùng đến con chim lắc nước, không còn vật chi để làm đôi chân chim, sẳn có chân nhang, ông Trời lấy 2 cọng chân nhang làm hai cái châm chim, nhưng 2 cọng chân nhang quá nhỏ so với thân chim, nên ông Trời dặn nó: "- Chân ngươi nhỏ quá, dễ bị gãy, do đó trước khi bay, ngươi phải nhún chân thử trước rồi mới bay, nếu không làm như vậy chân ngươi sẽ bị gãy."
Do đó, chim lắc nước đều phải nhún chân trước khi bay.
Về con người, khi tạo thiên lập địa, ông Trời tạo ra ông Bàn cổ là thuỷ tổ của con người, do đó từ ông Bàn cổ sinh ra tổ tiên của chúng ta.
Mặc dù chúng ta không có Kinh Thi như Trung Hoa, kinh Vệ Ðà của Ấn độ, nhưng trong thi ca Việt Nam, chúng ta thấy tín ngưỡng ghi rất đậm nét qua bài sau đây:
Lạy trời mưa xuống,
Lãy nước tôi uống,
Lãy ruộng tôi cày,
Lãy đày bát cơm,
Do đó nhà văn Trương Tửu mới viết quyển Kinh Thi Việt Nam.
Tóm lại, tín ngưỡng của dân gian Việt Nam là có ông Trời ở trên chín tầng mây kia, ông Trời là đấng tạo hóa sinh ra vũ trụ, con người và muôn loài, vạn vật, Ông trời điều hành mọi việc, ông cầm cân nảy mực cho sự công bằng, ai ăn ở hiền từ, nhân đức, ông Trời ban phước; ai ăn ở hung ác, hiểm độc, ông Trời giáng họa để trừng phạt, ai ác nhân thất đức khi chết sẽ bị đọa địa ngục, chịu hình phạt của Diêm vương.
( * ) Xin đọc tiếp Bài 2 : Triết học nói về Vũ trụ và Con người
( * ) Trở về Mục Lục