Khổng giáo hay Nho giáo

Tôn Giáo. Theo định nghĩa trong từ điển Webster như sau: '' Một hệ thống có tổ chức về niềm tin, nghi thức và nghi lễ tập trung hướng về một đấng siêu nhiên có quyền lực, niềm tin theo đuổi do lòng thành tâm ''. Trước nhất chúng tôi nói đến Nho Giáo vì là đạo gần gủi với chúng ta.

Nho Giáo. Gọi là Nho giáo vì chữ Nhu mà ra nó gồm có bộ Nhân là người và chữ Nhu có nghĩa là đợi hay cần dùng, nói chung có nghĩa là người được cần dùng đến. Từ trước các người có học do quan Tư đồ chọn cho đi học văn chương và lục nghệ là lễ, nhạc, xạ, ngự, thư và số nên Hán Thư Văn Nghệ Chí ghi : ''Nho giáo do quan Tư đồ mà ra''. Từ cuối thời Xuân Thu trở đi, Khổng tử xiển dương học thuyết Nho và định rõ những điều như là:

Nói về sự biến hóa của vũ trụ quan hệ đến nhân loại.
Nói về luân thường đạo lý trong xã hội.
Nói về lễ nghi cúng tế trời đất, quỷ thần.

Vì những điều ấy là cốt yếu của tôn giáo, cho nên từ đó trỏ đi Khổng tử được tôn là ông tổ của Nho giáo. Do đó có khi người ta còn gọi là Khổng giáo. Người ta gọi ông là Khổng Tử hay Khổng Phu Tử, ông người làng Xương Bình, huyện Khúc Phụ, phủ Duyện Châu tỉnh Sơn Ðông, Trung Quốc, ông con của Thúc Lương Ngột và bà mẹ họ Nhan, ông sanh năm 551 trước tây lịch, tên là Khâu, tự Trọng Ni, thân phụ mất lúc ông lên 3 tuổi, năm 19 tuổi lập gia đình, năm 29 tuổi ngài đi đến Lạc ấp, chỗ kinh sư nhà Chu, nơi có nhà Minh đường của Chu công lập ra để chứa những luật lệ, bảo vật và hình tượng của các thánh hiền đời trước, ở đây ngài đi xem những chế độ ở những nơi tế Giao, tế Xã, nơi nào có tế lễ ngài đều đi xem xét tường tận, ngài cũng đến hỏi Lễ với Lão tử, trong sách Sử ký của Tư Mã Thiên có ghi chép việc nầy.

Từ Lạc ấp ngài trở về nước Lỗ, vua Lỗ vẫn không dùng, ngài sang nước Tề, vua Tề định cắt đất phong cho ngài, nhưng bị quan đại phu là Yến Anh không cho. Ngài lại trở về nước Lỗ đã 35, 36 tuổi nên chuyên tâm dạy học và suy gẫm đạo thánh hiền. Khi Khổng Tử đã 51 tuổi vua Lỗ mới dùng ngài, trước tiên làm chức quan Trung Ðô Tể (như Ðô trưởng ở thủ đô), sau làm quan Hình Bộ Thượng Thư (Bộ Trưởng Bộ Tư pháp), sau vua Lỗ cất lên làm Nhiếp Tướng Sự tức là quyền nhiếp chánh việc chánh trị. Sau vua Lỗ tế Giao mà không chia thịt cho các quan, thái độ ấy, ông cho là vua không biết Lễ, Khổng Tử lại là người đề cao Lễ, nhân đó ngài biết vua Lỗ không muốn dùng ngài nữa, nên từ chức sang nước Vệ, vua nước Vệ không dùng, ông định sang nước Trần đi đến nước Khuông, bị người hiểu lầm dem binh chận đường nên ngài trở về nước Vệ, ở đây có những điều không hài lòng nên ngài sang Tống, bị quan Tư mã nước Tống định giết, nên ngài sang nước Trần, vua Trần rất trọng đãi nhưng trong nước giặc giả luôn, nên ngài trở về nước Vệ, sau định sang giúp quan đại phu nước Tấn là Triệu Ưởng nhưng đi giữa đường nghe tin Triệu Ưởng giết hai người hiền nên ngài lại trở về nước Vệ, lần nầy ở đây được 3 năm vua nước Vệ mời ngài vào cung bàn việc nước, trong khi đằm luận có đàn chim nhạn bay trên trời, vua nhìn đằn chim không chú ý việc ngài nói, ngài cho là vua không có ý dùng ngài, ngài bỏ sang nước Trần, ở nước Trần được ít lâu, ngài bỏ sang nước Thái khi sang đến nước Diệp thì vua Sở cho người đón ngài, vua định lấy 700 dậm đất phong cho ngài, nhưng bị quan Lệnh doãn Tử Tây can ngăn, việc không thành, ngài trở về nước Vệ ở 5, 6 năm không đi đâu cho đến khi Quí Tôn Phù ở đất Lỗ cho người đón ngài về, đã 14 năm xa xứ, khi trở về, ngài đã 68 tuổi rồi, nên không ra làm quan nữa mà ở nhà dạy học trò và san định lại sách vở đời trước và làm sách Xuân Thu để bày tỏ đạo của ngài về chánh trị.

Thời Khổng Tử là thời nhà Chu đã yếu thế, khi nhà Chu mới bắt đầu chia thiên hạ ra làm hơn 70 nước nhỏ phong cho công thần và con cháu làm chư hầu, các chư hầu có quyền tự do trong việc cai trị nước mình, chỉ khi nào Thiên tử cử binh chinh phạt nước khác, chư hầu bắt buộc phải cử binh theo, từ khi nhà Chu dời về phía đông ở đất Lạc ấp, mệnh lệnh thiên tử không ai theo, các chư hầu phân ra hơn 160 nước, chiến tranh càng ngày càng kịch liệt, cương thường đổ nát, nhân dân ta thán, chư hầu nào mạnh thì dùng chiến trang để làm bá thiên hạ, các nước mạnh như Tề, Tấn, Tống, Sở, Ngô đều muốn lấy nước khác, Thiên Tử không còn uy quyền chi hết, thời đó gọi là Xuân Thu thời đại, hay Xuân Thu chiến quốc.

Sở dĩ Khổng tử đi nhiều nơi, được vua các nước tiếp đón trọng hậu nhưng không muốn dùng ngài vì Khổng tử muốn đem cái đạo của Nho giáo là Tam cang, Ngũ thường để làm giềng mối trật tự của xã hội, cũng là chủ trương tôn phù nhà Chu, giảm bớt quyền của chư hầu, giữ quyền của chư hầu thì giảm bớt quyền các quan Ðại phu, do vậy các quan Ðại phu sợ ngài làm mất quyền của họ, các chư hầu sợ ngài ngăn cản quyền của mình. Chính vì vậy mà ngài đi nhiều nước nhưng không thành công, trừ một thời gian ban đầu ở nước Lỗ.

Ngài mất năm 478 trước tây lịch thọ 73 tuổi, mộ ngài nay ở Khổng Lâm, thuộc huyện Khúc Phụ tỉnh Sơn Ðông. có khoảng 100 đệ tử làm nhà gần mộ ngài ở thọ tang 2 năm, riêng Tử Cống ở đó đến 6 năm.

Sách của ngài làm có Dịch, Thi, Thư, Lễ, Nhạc và Xuân Thu gọi là Lục kinh. Về sau bị nhà Tần đốt sách, kinh Nhạc mất mát nhiều, sau đem vào bộ Lễ ký đặt thành thiên Nhạc ký. Ngoài ra còn có sách Ðại học, Trung Dung, Luận Ngữ do môn đệ của Khổng tử ghi chép lại lời dạy của Khổng tử và về sau nầy có thêm sách của Mạnh Tử. Bốn sách nầy gọi là Tứ thư và Ngũ Kinh là những sách chánh yếu của Nho Giáo.

Kinh Dịch. Dịch là phép bói toán do vua Phục Hi (4477-4363 ttl) đặt ra, vạch liền biểu thị lẽ dương, vạch đứt biểu thị lẽ âm. Dương là cơ, âm là ngẫu. Mỗi vạch liền hay vạch đứt là một hào, xếp ba hào, hoặc vạch liền cả hoặc vạch đứt cả, hoặc vạch liền và đứt xếp lẫn nhau đặt thành ra Bát quái là Kiền (trời), Ðoài (đầm), Ly ( lửa), Chấn (sấm), Tốn (gió), Khảm (nước), Cấn (núi), Khôn (đất), tám quẻ xếp theo thứ tự ấy gọi là Tiên thiên bát quái. Lấy mỗi quẻ trong tám quẻ ấy lần lượt đặt chồng lên nhau, thành ra 64 quẻ, mỗi quẻ có 6 hào.

Ðến vua Hạ Vũ (2205-2167 ttl) đặt ra cửu trù để làm biểu lý với bát quái của vua Phục Hi, bát quái để vẽ các tượng âm dương còn cửu trù để tính số ngủ hành là Thủy, Hỏa, Mộc, Kim, Thổ.

Từ trước có lẽ Dịch truyền khẩu, mãi dến vua Văn Vương nhà Chu khi bị giam ở ngục Dữu Lý (1444-1442 ttl), ngài mới diễn lại quẻ dịch mà đặt thành Hậu Thiên Bát Quái là Kiền (cha), Khảm (trung nam), Cấn (thiếu nam), Chấn (trưởng nam), Tốn (trưởng nữ), Ly (trung nữ), Khôn (mẹ), Ðoài (thiếu nữ), ngài theo hình từng quẻ mà giải nghĩa toàn ý cả quẻ, gọi là Thoán từ. Ðến con ngài là Chu Công Ðán cắt nghĩa từng hào trong quẻ gọi là Hào từ, Văn Vương và Chu Công Ðán giải thích đơn sơ, đến Khổng Tử ngài dựa theo Thoán Từ và Hào Từ cắt nghĩa cho rõ hơn gọi là Thoán Truyện và Tượng Truyện, giải tượng cả quẻ gọi là Ðại Tượng, giải tượng cho một hào gọi là Tiểu Tượng. Ngài còn làm thêm những thiên như Hệ Từ truyện, Văn ngôn truyện, Thuyết quái truyện ...

Kinh Thư là bộ sách chép những: điển, mô, huấn, cáo, thệ, mệnh của vua tôi dạy bảo khuyên răng nhau từ đời vua Nghiêu vua Thuấn đến đời Ðông Chu.

Kinh Thi là bộ sách chép những bài ca dao từ thời thượng cổ đến vua Bình vương nhà Chu. Xem Kinh Thi biết tính tình, phong tục và chánh trị các đời và các nước chư hầu, những bài tình cảm tuy đơn sơ nhưng xúc tích, chúng ta thường hay nghe nhắc tới như :

Quan quan thư cưu,
Tại hà chi châu.
Yểu điệu thục nữ,
Quân tử hão cầu.

Thi sĩ Tản Ðà dịch:

Quan quan cái con thư cưu.
Con sống con mái cùng nhau bãi ngoài.
Dịu dàng thục nữ như ai.
Sánh cùng quân tử tốt đôi vợ chồng.

Một bài khác:

Sâm si hạnh thái tả hữu lưu chi,
Yểu điệu thục nữ ngụ mi cầu chi.
Cầu chi bất đắc ngụ y tư phục,
Du tai du tai truyển chuyển phản trắc

Thi sĩ Tản Ðà dịch

Muốn ăn rau hạnh, theo dòng,
Muốn cô thục nữ, mơ mòng được đâu.
Nhớ cô dằng dặc cơn sầu,
Cho ta trằn trọc dễ hầu ngủ yên.

Kinh Lễ là bộ sách chép những nghi lễ để hàm dưỡng tình cảm tốt, để giữ trật tự cho phân minh và tiết chế các tình dục.

Kinh Xuân Thu là bộ sách Khổng tử làm ra, ngài làm theo lối sử, chép các truyện nước Lỗ từ Lỗ Ẩn Công đến Lỗ Ai Công, chép việc nhà Chu và các nước chư hầu , sách nầy ngài làm có ba chủ nghĩa: chính danh, định phận và bao biếm, chữ trong sách ngài dùng có ý nghĩa khen chê phê phán rõ rệt thí dụ Thiên tử chết ngài dùng chữ băng, chư hầu chết dùng chữ hoăng, ông vua cướp ngôi, chết dùng chữ tồ, người làm quan công chính chết dùng chữ tốt, gian nịnh chết dùng chữ tử. Người nào danh phận chính đáng thì ghi rõ chức phẩm cùng tên tự, người nào danh phận không chính đáng thì chỉ viết tên mà thôi. Người sau đọc kinh Xuân Thu cho rằng một lời khen của Khổng Tử còn quý hơn áo vua ban, một lời chê của ông nhục hơn tội búa rìu.

Quan niệm về Trời và Người đối với đạo Nho như thế nào ? Theo như ý tưởng của người xưa, cũng là của đạo Nho, lúc đầu vũ trụ chỉ là một khối mờ mịt hổn độn, trong cuộc hổn mang ấy có cái lý vô hình, rất linh diệu, rất cường kiện, gọi là Thái cực. Thái cực huyền bí vô cùng, tuy người ta không biết được Thái cực, song người ta thấy được sự biến hóa của vạn vật mà biết được cái động thể của lý ấy phát ra hai dạng khác nhau là động và tĩnh, động là Dương, tĩnh là Âm. Dương đến cực độ biến thành Âm, Âm đến cực độ biến thành Dương, hai thể ấy cứ theo liền nhau, điều hòa với nhau để biến hóa sinh ra trời đất và vạn vật.

Ðó là cốt yếu của kinh Dịch, có câu : '' Dịch hữu Thái cực, thị sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái '' (đạo Dịch có Thái cực, Thái cực sinh ra hai nghi, hai nghi sinh ra bốn tượng, bốn tượng sinh ra tám quẻ.) (Dịch: Hệ từ thượng)

Và : '' Thiên địa nhân huân, vạn vật hóa thuần, nam nữ cấu tinh, vạn vật hóa sinh '' (khí trời đất nghi ngút, trên dưới giao hợp, vạn vật bởi cái khí tinh thuần ấy mà hóa ra, rồi giống đực, giống cái giao cấu với nhau mà sinh mãi.) (Dịch: Hệ từ hạ).

Cái đức lớn của trời đất là sự sinh, thì đạo người phải theo đạo trời đất mà bồi dưỡng sự sinh sản. Ðạo trời có bốn đức là nguyên, hanh, lợi, trinh; do đó mà đạo người cũng có bốn đức là : nhân, nghĩa, lễ, trí.

Về sự sinh, tử con người thì đạo Nho cho rằng : '' Nhân sinh hữu khí, hữu hồn, hữu phách. Khí hồn phách hội vị chi sinh '' (người sinh ra có khí, có hồn, có phách. Khí hồn phách hội lại gọi là sinh.) (Khổng tử gia ngữ: Ai công vấn chính). Và '' Tử tất qui thổ, cốt nhục tệ ư hạ, âm vi dã thổ, kỳ khí phát dương ư thượng vi chiêu minh '' (chết rồi thì hài cốt chôn xuống đất dần dần tan nát đi, còn cái tinh anh thì lên khoảng không gian, sáng rõ rực rỡ ) (Lễ ký: Tế nghĩa)

Ðó là những gì đạo Nho nói về Trời đất và con người, chữ Trời trong đạo Nho không phải chỉ cho ông Trời mà Trời ấy là cái nguyên lý.

( * ) Xin xem tiếp Bài 5: Lão giáo

( * ) Trở về Mục Lục