Ðạo Lão
Từ xưa tới nay người ta thường cho rằng Ðạo Lão là do Lão Tử khai sáng, ngày nay còn lại quyển Lão Tử Ðạo Ðức Kinh và trong Sử Ký của Tư Mã Thiên có ghi chép về Lão Tử như sau :
Lão Tử là người làng Khúc Nhân, hương Lệ, huyện Hổ, nước Sở; họ Lý, tên là Nhĩ, tự Ðam, làm quan sử, giữ kho chứa sách của nhà Chu.
Khi Khổng Tử qua Chu, lại hỏi Lão Tử về lễ, Lão Tử đáp: '' Những người như ông nói đó, thịt xương đều nát cả rồi, chỉ còn lại lời của họ thôị Vã lại người quân tử nếu gặp thời thì ngồi xe ngựa, không gặp thời thì đội nón lá mà đi chân. Tôi nghe nói người buôn giỏi thì giấy kĩ vật quí, coi ngoài như không có gì; người quân tử đức cao thì dong mạo như ngu độn. Ông nên bỏ cái khí kiêu căng, cái lòng đa dục, cái vẻ hăm hở cùng cái chí quá hăng của ông đi; những cái đó không có ích gì cho ông đâu. Tôi chỉ khuyên ông có bấy nhiêu thôi.'' Khổng Tử về bảo môn sinh: '' Loài Chim ta biết nó bay được, loài cá ta biết nó lội được, loài thú ta biết nó chạy được. Chạy thì ta dùng lưới để bẩy, bay thì dùng tên để bắn, lội thì dùng câu để bắt. Ðến loài rồng thì cưỡi gió mây mà lên trời thì ta không sao biết được. Hôm nay ta gặp Lão Tử ông là con rồng chăng ?
Lão Tử trau giồi đạo đức; học thuyết của ông cốt ở chỗ giấu mình, ẩn danh. Ông ở nước Chu đã lâu, thấy nhà Chu suy, bèn bỏ đi. Ðến cửa quan coi cửa là Doãn Hĩ bảo: '' Ông sắp đi ẩn, rán vì tôi mà viết sách để lại'' Thế là Lão Tử viết một cuốn gồm hai thiên thượng và hạ, nói về ý nghĩa của '' Ðạo '' và '' Ðức '', được trên năm ngàn chữ. Viết xong rồi đi, không ai biết sống chết ra sao, ở đâu.
Có người bảo: Lão Lai tử cùng là người nước Sở, viết mười lăm thiên sách nói về công dụng của Ðạo gia cũng đồng thời với Lão Tử.
Ðại khái Lão tử sống trên 160 tuổi, có người bảo trên 200 tuổi, nhờ ông tu đạo để kéo dài tuổi thọ.
Sau khi Khổng Tử mất 129 năm, sử chép rằng viên Thái sử nhà Chu tên Ðam, yết kiến Tần Hiếu Công, tâu: '' Mới đầu Tần hợp với Chu, hợp được 500 năm rồi thì tách ra, tách được 70 năm thì có một bá vương xuất hiện''.
Có người bảo Ðam đó tức là Lão Tử, có người lại bảo không phải. Không biết sự thực ra sao.
Lão Tử là một bậc quân tử ở ẩn. Con ông tên là Tôn, làm tướng nước Ngụy, được phong đất ở Ðoan Can, con của Tôn là Chú, con của Chú là Cung, Chút của Cung là Giả ( hay Giá). Giả làm quan dưới triều Hiếu Văn Ðế nhà Hán. Con của Giả là Gia làm Thái phó của Giao Tây Vương tên là Ngang, do đó mà cư trú ở Tề.
Người đời hể theo thuyết của Lão thì chê bai Nho học, mà theo Nho học thì cũng chê bai Lão Tử. '' Ðạo khác nhau thì khó cùng bàn với nhau được '', là nghĩa vậy chăng? Lý Nhĩ chủ trương chỉ cần '' vô vi '' mà dân sẽ tự cải hóa, '' thanh tĩnh '' mà dân sẽ tự nhiên thuần chính ''.
Quyển Ðạo Ðức Kinh trước chỉ gọi là sách của Lão Tử, không rõ nguyên thủy có bao nhiêu chương, chia làm hai thiên thượng và hạ, đến khi Hán Cảnh đế (156-140) cho là nội dung thâm thúy cũng như Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Dịch ... của Khổng Tử nên gọi sách của Lão Tử là kinh và vì thiên thượng, chương mở đầu với chữ : ?? Ðạo khả đạo phi thường đạo ...?? và thiên hạ khởi đầu chương 38 với câu : ?? Thượng đức bất đức, thị dĩ hữu đức ...?? nên ghép hai chữ Ðạo và Ðức ấy lại gọi là Ðạo Ðức Kinh, có tất cả 81 chương. Ngày nay các học giả cho rằng toàn kinh không phải hoàn toàn của Lão Tử, có những chương do người sau thêm vào.
Ngày nay người ta cho rằng mặc dù đoạn chép trên của Sử gia Tư Mã Thiên, không thể tin theo được hết, trừ quê quán. Do vậy người ta tin rằng Lão Tử là một nhân vật do Lý Nhĩ tạo ra cho mọi người thêm tin tưởng, Lý Nhĩ mới là tác giả của Ðạo Ðức Kinh và tác giả phải sinh sau Khổng Tử chừng 200 năm.
Dù Lão Ðam một nhân vật huyền thoại hay Lý Nhĩ nhân vật có thật hay vô danh thì quyển Ðạo Ðức Kinh vẫn là quyển kinh có thật, được lưu truyền, là kinh chính yếu của Ðạo giáo.
Ðạo Ðức kinh rất thâm thúy, nhưng các chương sắp xếp không mạch lạc. Bản văn cổ nhất giải thích Ðạo Ðức kinh là bộ Hàn Phi tử, thiên Giải Lão và Dụ Lão, chỉ giải thích phần nhỏ mà thôi, hai bản khác nổi tiếng hơn là Lão Tử chương cú của Hà Thượng công (ông ở trên bờ sông) không biết tên thật là gì, tương truyền sống ẩn dật đời hán Văn đế (180-157 ttl)
Bài Tựa bản đó ghi rằng Hán Văn đế thích đọc Lão tử, có nhiều chỗ không rõ, nhưng không biết hỏi ai, vua nghe nói có một đạo sĩ cất chòi ở trên bờ sông, thông suốt Ðạo Ðức kinh, ông cho người tới hỏi những chỗ khó, nhưng Hà Thượng công buộc vua phải thân hành tới hỏi đạo. Nhà vua đành phải tới, tới rồi trách Hà Thượng công không biết đạo vua tôi : '' Khắp gầm trời, không đâu không phải là đất của vua, khắp mặt đất bến nước, không người nào không phải là bề tôi của vua (chữ trong Kinh Thi) .. . Thầy tuy hiểu đạo nhưng vẫn là bề tôi của ta. Thái độ như vậy không phải là tự cao quá, không biết uốn mình ư ? (lời trong Ðạo Ðức Kinh, chương 22), nên biết rằng làm cho ai giàu hoặc nghèo, sang hoặc hèn, đều là quyền của ta cả.'' Nghe thế Hà Thượng công bay bổng lên không trung, đáp lời nhà vua: '' Tôi bây giờ không ở trên trời, cũng không ở dưới đất giữa loài người, như vậy có còn là bề tôi của nhà vua không ?'' Hán Văn đế biết Hà Thượng công là một bậc thánh nhân, lúc đó mới xin lỗi rồi được Hà Thượng công trao cho một bản Ðạo Ðức kinh có lời chú giải, đó là quyển Lão tử chương cú.
Một bản giải thích khác nữa là của Vương Bật, ông là người cực kỳ thông minh, mới 23 tuổi đã giải kinh Dịch và Ðạo Ðức Kinh, sinh đời Ngụy Văn đế làm Thượng Thư Lang, tiếc là yểu mệnh, ông mất mới có 24 tuổi.
Có những vị Hoàng đế Trung Hoa cũng chú thích Ðạo Ðức Kinh, trong số đó có Lương Vũ đế và Ðường Huyền Tôn (713-742), riêng Lương Vũ đế (502-549) soạn hai bộ Lão Tử giảng sớ, Lão tử sớ lý cương.
Việt Nam dịch và giải Ðạo Ðức kinh có các ông Ngô Tất Tố, Nghiêm Toản, Nguyễn Duy Cần, Nguyễn Hiến Lê.
Người ta thường nói đến Vô vi của Ðạo Ðức Kinh, như chương 37: '' Ðạo thường vô vi nhi vô bất vi, hầu vương nhược năng thủ chi, vạn vật tương tự hóa. Hóa nhi dục tác, ngô tương trấn chi dĩ vô danh chi phác. (Vô danh chi phác). Phù diệc tương vô dục. Bất dục dĩ tĩnh, thiên hạ tương tự định.'' (Ðạo vĩnh cửu thì không làm gì, mà không gì không làm; bậc vua chúa giữ được đạo thì vạn vật sẽ tự biến hóa. Trong quá trình biến hóa, tư dục của chúng phát ra thì ta dùng cái mộc mạc vô danh mà trấn áp hiện tượng đó, khiến cho vạn vật không còn tư dục nữa. Không còn tư dục mà trầm tĩnh thì thiên hạ sẽ tự ổn định.)
Chương 48: Vi học nhật ích, vi đạo nhật tổn. Tổn chi hựu tổn, dĩ chí vô vi. Vô vi nhi vô bất vi. Thủ thiên hạ thường dĩ vô sự, cập kỳ hữu sự, bất túc dĩ thủ thiên hạ. ( Theo học thì mỗi ngày một tăng; theo đạo thì mỗi ngày một giảm. Giảm rồi lại giảm cho tới mức vô vi, không làm. không làm mà không gì không làm. Trị thiên hạ thì nên vô vi, còn như hữu vi thì không trị được thiên hạ.)
Ðọc qua những chương trên, chúng ta thấy Ðạo Ðức Kinh gần giống như giáo lý của đạo Phật, vì điểm nầy mà người ta cho rằng đạo Phật chẳng những dễ du nhập vào Trung Hoa mà còn phát triển thêm hơn, cho nên có người nghiên cứu đạo Phật cũng nghiên cứu Ðạo Ðức kinh để tìm hiểu Ðạo Ðức Kinh đã ảnh hưởng chi đến Phật giáo Trung Hoa.
Người ta cho rằng triết học Trung Hoa, đến Ðạo Ðức Kinh mới bắt đầu luận về vũ trụ, ''Không'' là bản thỉ của trời đất, ''Có'' là mẹ sinh ra muôn vật. Chương một nói về đạo :
'' Ðạo khả đạo phi thường
đạo, danh khả danh phi thường danh.
Vô danh thiên địa chi thủy; hữu
danh vạn vật chi mẫu.
Cố thường vô, dục dĩ quan kỳ diệu;
thường hữu, dục dĩ quan kỳ kiếu.
Thử lưỡng giả, đồng xuất nhi dị
danh, đồng vị chi huyền. Huyền chi hựu huyền, chúng diệu chi môn.''
( Ðạo mà có thể diễn tả được thì không phải là đạo vĩnh cửu bất biến; tên mà có thể đặt ra để gọi nó (đạo) thì không phải là tên vĩnh cửu bất biến.
''Không'', là gọi cái bản thủy của trời đất; ''Có'' là gọi mẹ sinh ra muôn vật.
Cho nên, tự thường đặt vào chỗ ''không'' là để xét cái thể vi diệu của nó (đạo); tự thường đặt vào chỗ ''có'' là để xét cái (dụng) vô biên của nó.
Hai cái đó (không và có) cũng từ đạo ra mà khác tên, đều là huyền diệu.
Huyền diệu rồi lại thêm huyền diệu, đó là cửa của mọi biến hóa kì diệu.)
Chương 42:
Ðạo sinh nhất, nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật. Vạn vật phụ âm nhi bão dương, trùng khí dĩ vi hòa. Nhân chi sở ố, duy cô, quả, bất cốc, nhi vương công dĩ vi xưng. Cố vật hoặc tổn chi nhi ích, hoặc ích chi nhi tổn. Nhân chi sở giáo, ngã diệc giáo chi, lương cường giả bất đắc kỳ tử, ngô tương dĩ vi giáo phụ.
(Ðạo sinh ra một, một sinh ra haị hai sinh ra ba, ba sinh vạn vật. Vạt vật đều cõng âm mà ôm dương, điều hòa bằng khí trùng hư.
Ðiều mà mọi người ghét là ''côi cút'', ''ít đức'', ''không tốt'', vậy mà các vương công dùng những tiếng đó để tự xưng. Cho nên vật có khi bớt đi mà lại là thêm lên, có khi thêm lên mà lại hóa ra bớt đi.
Có một lời mà người xưa dạy, nay tôi cũng dùng để dạy lại, là ''Cường bạo thì sẻ bất đắc kỳ tử.'' Tôi cho lời đó là lời khuyên chủ yếu.)
Trong thiên thượng chương 25:
Hữu vật hổn thành, tiên thiên địa sinh. Tịch hề, liêu hề, độc lập nhi bất cải, chu hành nhi bất đãi, khả dĩ vi thiên hạ mẫu. Ngô bất tri kỳ danh, tự chi viết đạo, cường vị chi danh viết đạo.
Ðại viết thệ, thệ viết viễn, viễn viết phản. Cô đạo đạo thiên đại, địa đại, nhân diệc đại. Vực trung hữu tử đại, nhi nhân cư kỳ nhất yên. Nhân pháp địa, địa pháp thiên, thiên pháp đạo, đạo pháp tự nhiên.
(Có một vật hổn độn mà thành trước cả trời đất. Nó yên lặng(vô thanh) trống không (vô hình), đứng một mình mà không thay đổi (vĩnh viễn bất biến), vận hành khắp vũ trụ mà không ngừng, có thể coi nó là mẹ của vạn vật trong thiên hạ. Ta không biết tên nó là gì, tạm đặt tên nó là đạo, miễn cưỡng gọi nó là lớn (vô cùng).
Lớn (vô cùng) thì lưu hành (không ngừng), lưu hành (không ngừng) thì đi xa, đi xa thì trở về (qui căn ). Cho nên đạo lớn, trời lớn, đất lớn, người cũng lớn. Trong vũ trụ có bốn cái lớn mà người là một. Người bắt chước đất, đất bắt chước trời, trời bắt chước đạo, đạo bắt chước tự nhiên.)
Chương 40 tuy ngắn nhưng hàm chứa tất cả : Phản giả đạo chi động, nhược giả đạo chi dụng. Thiên địa vạn vật sinh ư hữu, hữu sinh ư vô ( Luật vận hành của đạo là trở lại lúc đầu (trở lại gốc), diệu dụng của đạo là khiêm nhu. Vạn vật trong trời đất từ CÓ mà sinh ra; CÓ từ KHÔNG mà sinh ra.)
Ðó là những chương quan trọng trong Ðạo Ðức Kinh nói về Ðạo, cũng là nguồn gốc của vũ trụ và con người.
( * ) Xin xem tiếp bài 6: Do Thái Giáo
( * ) Trở về Mục Lục