Một đời làm Trưởng
Phúc Trung
8664200520
Chương một: Một bước khởi đầu
8. Lại đi Lộc NinhGần cuối Hè năm đó, Thầy Chính Tiến đi Lộc Ninh để làm lễ công nhận Gia Đình Phật Tử Giác Tâm, sinh hoạt tại chùa Trúc Lâm của Đại Đức Quảng Long, Thầy cho một số Đoàn sinh tham dự, về phía Huynh Trưởng có anh Phan Huy Thanh, thế là tôi có dịp trở lai Lộc Ninh để dự lễ ra mắt của Gia Đình Phật Tử Giác Tâm. lần nầy đi gần như có cả Đoàn Oanh Vũ, Thiếu Niên, Thiếu Nữ, La Hầu La cho nên việc tổ chức trình diễn văn nghệ quy mô hơn, chúng tôi dành một đêm trình diễn tại chùa Trúc Lâm, đêm sau trình dễn ở làng Một. Nơi chùa thì phải kê sân khấu, còn ở làng Một, trình diễn trên sân khấu trong một nhà hát của dồn đièn xây gạch, lợp ngói, chứa chừng 400 khán giả.
Lần ầy thành công nhất với vũ điệu “Trấn thủ lưu đồn” do hai anh em Bùi Chiếm Hải và Bùi Thế San trình diễn, hai anh ở trong ban văn nghệ trường trung học Chu Văn An, Sàigòn, đã được tập dượt và trình diễn trên sân khấu nhà trường điệu vũ nầy rồi, nên khi đi Lộc Ninh các anh mượn đem theo nào áo, nón, quần, giày của lính trấn thủ, nên lên sân khấu hai anh mặc áo trấn thủ đỏ, sau lưng có đính chữ “卒” (Tốt = quân lính), mặc quần trắng bó ống, đầu đội nón lá, vũ rất nhịp nhàng, điêu luyện theo làn điệu dân ca, làm cho người ta thấy lạ mắt và nghe lạ tai, màn vũ chấm dứt khan giả vỗ tay nồng nhiệt để tán thưởng.
Buổi trình diễn ở làng Một chấm dứt, tất cả tập trung lên xe để về chùa, nhưng một chuyến xe chở không hết người, chúng tôi phải đợi chuyến sau, tôi hỏi một anh Huynh Trưởng Gia Đình Giác Tâm: “Đường về phía Tây đi đâu ?” anh ta cho biết “Đây là quốc lộ 13, đường chạy dọc theo biên giới và đi Bù Đăng, Bù Đốp rồi lên Banmêthuộc.”
Trong khi chờ đợi, Thầy Chính Tiến thấy có trăng sáng, nên Thầy trò thả bộ hướng về thị trấn Lộc Ninh, đi giữa đường nhựa, trên nền trời trong xanh, trăng dọi sáng mặt đường, gió thổi nhẹ, hai bên đường toàn cây cao-su hàng hàng, lớp lớp rợp bóng, tạo thành khung cảnh rừng rậm âm u.
Thầy đi trước, chúng tôi bảy tám Huynh Trưởng và Đoàn sinh Thiếu Niên đi theo, vừa đi vừa trò chuyện về buổi trình diễn vừa rồi, ai cũng vui mừng vì đã thành công, đã mang lại cho Phật tử và dân phu được thưởng thức một đêm văn nghệ lành mạnh, vui vẻ để quên đi những ngày làm việc mệt nhọc xác thân, khuây khỏa những gìờ phút âu lo, toan tính của cuộc đời.
Đi trong khung cảnh ấy, tự dưng tôi bị ám ảnh sẽ có một con hổ từ trong rừng cao-su kia nhảy ra, cái ám ảnh do truyện Thần Hổ của nhà văn Đái Đức Tuấn mà tôi đã đọc được ở Phổ thông bán nguyệt san khi còn nhỏ, lòng tôi mơ hồ, cũng trăng, cũng rừng núi như đêm nay, có một con hổ ngồi dưới trăng, giỡn với ma rừng.